Thứ Năm, 27 tháng 8, 2009

muốn thi trí tuệ VN

tui đề nghị nhóm mình đề xuất đề tài, bắt đầu làm 1 project nào có ý nghĩa thay vì tán dốc đi.

Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2009

Hận

Hận những kẻ dịch truyện nửa vời
Ghét những ai nửa chừng bỏ dỡ
Kích thích cơn ghiền lên đến tột đỉnh
Rồi nhẹ nhàng đạp chết đam mê
Hận, hận, ta hận, hận mãi
Hận quá trời mà có ai biết đâu
Đành mỗi ngày online 5 tiếng
Tự mình dịch tiếp những truyện bỏ ngang
Đau đớn thay "chuyện" ngày tiếp diễn
Thành stranlator hồi nào cũng không hay
=> tàn nhẫn.

Thứ Năm, 6 tháng 8, 2009

Khi lấy chàng (tiếp)

Mẹ chồng

Nguyễn Thị Thu Hiền

Khi lấy chàng (phần 6)

Ai sinh ra con trai cũng có lúc được làm mẹ chồng. Chỉ trừ phi con trai người ta... ế. Còn các trường hợp đau buồn hơn thì không buồn nói đến làm gì. Hai chữ mẹ chồng khiến cô gái nào cũng ớn lạnh. Vừa sợ vừa bao hàm nhiều thử thách. Biết đâu... lại được mẹ chồng cưng thì sao?

Ngày mình còn học cấp III, mẹ từng bảo: "Đấy, tôi có anh cả chưa người yêu đấy, cô có lấy thì yêu nó đi. Tôi đi xem bói rồi, năm 40 tuổi, nó sẽ làm tổng giám đốc". Nghe mà vừa sợ vừa tham. Sợ vì mẹ cứ tôi tôi cô cô, tham vì thể nào đời mình cũng giàu, vợ tổng giám đốc cơ mà. Hì... hì... ước mơ cuộc sống sau này của mình chỉ giản dị thôi, sao cho cuộc sống này được hạnh phúc, hạnh phúc đến nỗi đi siêu thị không bao giờ phải nhìn giá tiền là được rồi.

Ngày mình học đại học, dù con bạn đã sang Nhật du học nhưng một năm mình cũng cố gắng thu xếp một lần mua hoa quả đến chơi. Lần nào mẹ cũng lấy sữa chua cho ăn. Ngu thế, dạo đó mình lại không biết ăn sữa chua, nên mắt trước mắt sau là dúi vào gầm gường. Không biết khi mình ra về, mẹ có khốn khổ đi tìm cái cốc không nhỉ?

Năm thứ hai làm sinh viên, con bạn về nước thăm nhà, mình đội mưa đến chơi. Ngồi đến 10h chưa về vì lâu ngày không gặp, hai con bé lắm chuyện để tám. Mẹ nói: "Thôi, cô không về mà dọn hàng cho mẹ cô à?". Khổ quá, trời mưa nhà mình có bán hàng đâu. Nhưng mẹ nói thế, mình tự ái, mình về. Suốt con đường mưa, mình tự nhủ: "Sẽ không bao giờ thèm đến cái nhà này nữa!!!".

Năm cuối làm sinh viên, khi con trai mẹ bắt đầu cưa mình. Mẹ trách chàng không đưa người yêu về nhà. Mẹ không biết đó là mình, nên mẹ hào hứng muốn xem mặt con bé nào mắc mưu con trai mẹ đây. Mẹ và các dì chiều nào cũng ngồi đầu làng buôn chuyện, và đoán già đoán non xem con bé này là con bé nào. Nếu có vinh dự được có con trai, chắc sau này mình cũng thế.

Chàng lại le te kể lại y nguyên cho mình. Mình chỉ cười mà không tới. Mình vẫn tự ái lời mẹ nói khi xưa. Và bản thân mình vẫn cảm thấy sợ mẹ.

Ra trường, đi làm được một năm, mình và chàng rủ nhau cưới. Ngu thật, biết thế ở vậy thì giờ có phải vẫn còn eo ót không. Ngày xưa, đám con gái chơi thân với nhau ở khu tập thể chẳng rủ nhau ở vậy cho giai nó thèm thì gì. Vậy mà lại đồng ý cưới. Thật ra bội ước lời thề với đám bạn gái vì còn bồng bột. Suốt ngày bị bố đẻ mắng mỏ là đồ lười, đồ ngu nên mình tức, muốn đi lấy chồng cho giải thoát thôi. Chứ lúc đó vẫn thích đi tụ tập hơn là đi chơi với chàng. Ấy vậy mà dự định cuối năm cưới.

Một buổi trưa tháng sáu, đang chui vào kho linh kiện IC để ngủ, chàng gọi điện: "Em ơi, bà nội anh mất". Sững sờ và chia sẻ. Mong chàng đừng buồn, cố gắng việc gia đình giải quyết ổn thỏa. Nhưng chàng lại cười: "Úi giời, chuyện bình thường ấy mà. Bà già thì phải chết thôi, cũng gần trăm tuổi rồi. Anh có phải nhà bác cả đâu, em không phải lo". Vậy mà mình lại lo. Nhà chàng có việc, sao lại không lo. Đúng là con dở hơi. Còn chàng, đúng là vô tâm số một. Ngày đưa ma mình tới viếng. Lâu lắm rồi, mình mới lại tới nhà chàng. Vì chàng, mình tự vượt qua tự ái. Mặc quần áo tối màu và lặng lẽ đi sau chàng.

Đoàn xe đến Văn Điển, mình tới chào bố mẹ chàng, lúc ở nhà bố mẹ bận nên mình không dám làm phiền. Mẹ đón mình bằng một nụ cười: "À, con đến từ bao giờ thế. Uống nước này!" Mình sững sờ vì sự nồng hậu của mẹ trước bao người. Hình như, mình có cảm giác mẹ biết chuyện mình với chàng. Mình bối rối, lí nhí trước mẹ: "Cháu xin lỗi, cháu đến muộn". Mẹ còn chưa kịp nói gì thì tiếng các bà bác đã cắt ngang câu chuyện. Đến giờ hạ huyệt rồi, mẹ phải ra khóc cho đủ lệ bộ. Công nhận, mẹ khóc to thật. Nhưng sau này, trên đường về, các bà bình luận, mẹ vẫn chưa khóc khéo bằng các bà.

Cuối năm ấy, cả hai đứa hí hửng đi xem ngày. Rồi chàng cũng hí hửng về khoe với mẹ. Chàng hứa sẽ gọi điện báo lại ngay.

Tiếng chuông reo, chàng hẹn gặp ở quán cà phê, mình hồi hộp rồi lo lắng. Trời ơi, mình sắp sang trang đời mình đây.

- Em à, có chuyện này... quan trọng... anh... anh... muốn nói.

Chàng ấp úng mãi không nên lời mà mình tụt cảm hứng. Linh cảm phụ nữ mách cho mình rằng có chuyện rồi. Nhưng mình mạnh mẽ. Mình là cơn bão cơ mà. Mình sẵn sàng nghe.

- Em à,... chúng mình... chúng mình... không... cưới nhau... năm nay được.

Mắt mình mở tròn to, sững sờ và cần một câu trả lời nhanh gọn. Vì sao?

- Mẹ nói... mẹ nói...

Chàng vẫn ấp úng, chàng khó nói. Chàng vẫn thế, nhát gan y như dạo đèo mình bị công an bắt được vì đi ngược chiều ở đường Hàng Bài vậy. Nhưng lần này chàng không run bắn lên làm rơi điện thoại, lần này mình cũng không đứng ra cưa chú công an để xin cho chàng, lần này... tự chàng phải nói.

- Mẹ nói mẹ đi xem bói, người ta bảo bà nội ghê gớm. Chết là sẽ rủ đi theo mình ba người. Mà họ nhà anh từ dạo đó chết thêm hai cụ rồi. Giờ cưới em về, nhà đen, dễ chết thêm người nữa, nên mẹ bảo để năm sau. Chờ ai đó chết nốt cho đủ ba người thì yên tâm cưới.

- .......

- .............

.............

..............

.............

Khoảng không im lặng, cốc sinh tố mãng cầu của mình cũng im lặng, tách cà phê của chàng im lặng, chàng cúi mặt im lặng, và những giọt nước mắt của mình cũng im lặng.

Mình còn biết nói gì nữa. Mình cảm thấy đau. Nơi mình đặt tình yêu ngự trị hình như bị vỡ.
Mình cảm thấy rũ rượi, cảm thấy mất mát, cảm thấy chơi vơi, cảm thấy bị phản bội, cảm thấy trống rỗng.

Giá mà có lý do khác cho chuyện cưới lúc này thì có lẽ mình đã không có cảm giác như bây giờ. Trời ơi, một lý do mà chính mình cũng không tưởng tượng được.

Mình cảm thấy chàng thật vô tích sự.

Mình cảm thấy căm thù chàng.

Mình còn biết nói gì đây nữa!!!

Cơn bão ư? Giờ chỉ là cơn gió lang thang.
..............

............

Khoảng không vẫn im lặng

...............

.............

Chàng chăm chú nhìn mình. Còn mình, cúi mặt uống ừng ực cốc sinh tố. Hai tay đỡ cốc run lên. Mắt không nhìn rõ chàng vì ướt. Mình cố bít miệng để khóc không thành lời. Uống hết cốc của mình rồi, mình lấy nốt tách cà phê còn chưa kịp cho đường của chàng, làm phát ực hết.

- Anh cho em về.

Mình cố nén cái nghẹn ứ ở cổ như có cục gạch trong yết hầu để nói cho tròn vành.

Chàng lại van xin và mình nhất quyết muốn lẩn trốn. Mình thấy mình có lỗi với bản thân mình. Mình muốn về ngay với mẹ đẻ để khóc. Mình càng sợ mẹ chàng hơn.

Suốt con đường, hai đứa không nói câu gì vì mình bận khóc. Mình khóc không phải vì lễ cưới vớ vẩn kia, mình khóc vì ức. Mình có phải là đồ bỏ đi đâu mà bị đối xử như con hủi vậy. Rồi chàng nữa, điều vô lý đến như vậy mà chàng lại nghe lời mẹ ư? Mình khóc vì tất cả những thứ đó. Xuống xe, mình nhìn chàng như lần cuối. Mình đã thề với chàng, không bao giờ mình thèm gặp chàng nữa. Vì sớm muộn gì, lấy chàng cũng có ngày mình bị mẹ chàng lót lá chuối tống ra khỏi nhà với một tội vớ vẩn nào đó. Còn chàng, chắc có lẽ sẽ chỉ biết đứng nhìn mà thôi.

Hai tháng sau...

Mẹ đem kể với cả làng là chúng nó bỏ nhau rồi. Lạ thật, không hiểu mẹ lấy thông tin đó ở đâu ra thế không biết. Cả làng tin, chỉ có chàng là không tin. Chàng lặng lẽ đổi chiến thuật. Giờ, chàng cưa bố mẹ đẻ mình. Khơi dậy tình thương của bố mẹ mình bằng cái vẻ thật thà tội nghiệp. Còn bố mẹ đẻ mình, mắc mưu, quay ra mắng mình tàn tệ.

Một năm sau...

Mình lại ngồi sau xe mà mình đã thề.

Ngày sang dạm ngõ, mẹ và bố, dì út sang nhà mình. Suốt buổi nói chuyện, mẹ tự hào quảng cáo con trai mẹ đẹp trai nhất làng, tài giỏi nhất làng, ngoan nhất làng. Mẹ quay ra bảo mình đanh đá, ghê gớm hơn con bé bạn, tức là con gái mẹ. Giữa bài phát biểu của mẹ, cả họ nhà mình nhìn nhau ngơ ngác: "Ơ, thế họ chê con Hiền như vậy thì sang đây làm gì?" Buồn cười. Thế mà lễ dạm ngõ cũng qua êm ả.

Rồi lễ ăn hỏi cũng tới. Giữa cái thời buổi toàn người và xe này, mẹ hãnh diện dẫn đoàn 7 cái xích lô lọng vàng sang nhà mình đặt viên gạch xí chỗ. Mẹ cẩn thận mặc cái áo dài nhung đỏ, trang điểm tí chút và làm tóc xoăn vỏ bào. Công nhận, mẹ đẹp thật. Giờ mình đã hiểu vì sao mẹ khen con trai mẹ đẹp trai.

Rồi thì ngày cưới nữa, khi một ngày ồn ào cuối cùng cũng qua. Mình mệt mỏi bước vào nhà tắm. Lần đầu tiên trong đời mình cảm thấy mình có lỗi với mẹ. Dù mẹ có nói gì đi nữa, nhưng thật tâm mẹ đâu có ghét bỏ gì mình đâu. Đôi khăn mặt mới với đôi bàn chải đánh răng trong phòng tắm mẹ cẩn thận xếp ngay ngắn. Bộ ga gối mẹ đích thân đi mua cho vợ chồng mình. Mẹ làm mình thay đổi cách nghĩ. Mẹ ơi, con sẽ cố gắng bớt lười để làm con dâu ngoan của mẹ. Sáng mai, con sẽ dậy sớm...

Nửa năm sau, chàng mới kể lại: mẹ quý mình là vì sau lễ ăn hỏi, tự dưng mẹ cứ chơi lô là thắng. Trong một tuần từ lúc ăn hỏi đến lúc cưới, mẹ thu về được mấy chục triệu. Có bà nói, con dâu nó hợp đất nhà bà đấy. Thế là mọi việc êm xuôi.

Thật không thể tin được.

(Trích Khi lấy chàng - Nhật ký của cô dâu trẻ, sách do Sahara phát hành)

Còn tiếp...

Khi lấy chàng (tiếp)

4. Sôcôla - vừa đắng - vừa ngọt

Nguyễn Thị Thu Hiền

Người ta thường ví tình yêu như sôcôla, vừa đắng lại vừa ngọt. Dạo trước chàng cũng hay tặng mình. Và mình có thói quen giữ lại những cái vỏ giấy sau khi đã ăn hết cả gói, không phần chàng mẩu nào.

... Noel đầu tiên...

Mình lấy chàng đầu tháng 12 nên chẳng bao lâu cũng đến ngày Noel đầy ồn ào và nhiều dự định. Hôm ấy, công ty vẫn đi làm bình thường, nhưng cả phòng mình đứa nào cũng rộn rạo. Bọn chưa chồng thì ngồi đoán xem đêm nay người yêu tặng gì, để chốc đi làm về mua quà cho những gã đàn ông tội nghiệp đó. Bọn có chồng rồi thì loanh quanh nghĩ thực đơn cho bữa tối nay. Ai cũng nhồi nhét trong đầu mình những dự định như một cuốn phim lãng mạn. Và tất nhiên, mình cũng vậy!!!

11 trưa, chàng gọi điện.

Mình mừng rỡ sau thông báo của cô bé lễ tân nối máy. Ôi trời, chàng sẽ mời mình đi đâu ư, hay có gì đó bất ngờ? Không, mình sẽ vẫn làm kiêu một tí, sẽ bảo là không đi hoặc không ăn đâu để chàng còn năn nỉ. Mình sẽ khiến cho bọn chưa chồng ghen tị, để chúng nó còn mót đi lấy chồng, sau này còn dễ buôn chuyện. Nhưng...

Chàng: Em à, anh đây! Em ăn cơm chưa?

Mình: (Ha ha... chắc mời mình đây...), em chưa, nhưng trưa nay có sếp mời đi ăn rồi.

Chàng: Sếp em hả, đi đông không?

Mình: (Phải cho gia vị vào tình yêu mới được) Không, sếp chỉ đi với mình em thôi!

Chàng: Ừ, em ăn nhiều vào nhé, cho thằng cha ấy nó biết nỗi khổ của anh mỗi lần đi cùng em thế nào. À này, anh bảo này...

Mình: (Ha... ha... chàng có món gì hay đây) Vâng, em nghe.

Chàng: Thằng Vân nó rủ anh đi mua hoa với nó. Nó bảo bọn anh ra Ngọc Hà mỗi thằng lấy một bó to to đẹp đẹp. Nhưng anh bảo nó là sợ mua về em tiếc tiền lại mắng anh, nên anh không mua nữa. Giờ anh lại sợ về em dỗi, nên gọi điện hỏi em xem có mua hay thôi?

Trời ơi, hóa ra đó là mục đích cú điện thoại của chàng. Từ trưa đến chiều, chàng làm mình ủ dột.

Tối hôm ấy, cả nhà đi chơi hết, còn mình với chàng. Hai đứa mua chân gà nướng, vài cây nến, ít hoa quả và pha hai cốc trà hoa cúc. Ở nhà. Ăn hết chỗ đầu tư cho dạ dày. Và ngồi trông nhà! Cũng lãng mạn chán, chẳng phải đi đâu. Ừ, lấy chồng kể cũng hay thật. Mình dựa vào chàng, nhâm nhi cái chân gà bóng nhẫy, cuộc đời đẹp thật!

... Tết Tây...

Bố mẹ cả hai bên đều làm cơm. Thành ra khó quá. Mình thương bố mẹ mình hơn. Vì mình đi lấy chồng rồi, chỉ còn hai cụ ăn cơm với nhau. Còn bên này, không có vợ chồng mình còn các em đấy. Vậy mà không dám nói ra. Chàng thì vô tâm, không để ý.

9h sáng.

Điện thoại của chàng reo...
Mặc quần áo vội vàng, chàng nói bạn nó gọi có công việc quan trọng.

11h trưa.

Điện thoại của mình reo...
Vâng, anh ấy đi có việc, chắc khi nào về bọn con sang mẹ nhé!!!

12h trưa.

Điện thoại của chàng reo...
Ừ, anh về ngay đây, em cứ bình tĩnh.

12hg30 trưa.

Điện thoại nhà bố mẹ đẻ mình reo...

Mẹ à, anh ấy bận quá, chắc con không sang được. Mới lại trưa nay con ăn cơm bên này để chiều ăn cơm nhà mình cho đỡ khó xử. Chiều bọn con qua mẹ nhé.

14h chiều.

Điện thoại của chàng reo...
- Em ăn cơm đi, anh với mấy thằng bạn đi nhậu mất rồi, khổ, không về được.

Cùng lắm một tiếng nữa anh về.

16h chiều.

Điện thoại của mình reo...

- Tối nay à? Chắc tao không tụ tập với hội mày được, xã nhà tao chưa về, mới lại tao cũng muốn về ăn cơm với mẹ.

- .........

- Thôi mà, thông cảm cho tao nhá. Chồng rồi phải khác chứ.
.............

- Vợ chồng son hả? Ừ, có son mới đi đâu cũng phải cùng đi chứ. Ừ, tối tao rỗi sẽ bảo chàng đèo tao tới đó.

18h chiều.

Điện thoại của chàng reo...

- Ừ, anh đang trên đường về đây. Bình tĩnh, rồi đâu sẽ có đó.

19h tối.

Điện thoại nhà bố mẹ mình reo...

- Mẹ à, con xin lỗi, anh ấy vừa về. Cho chó ăn chè một bát tướng rồi leo lên giường đi ngủ rồi... Vâng, thôi để lúc khác mẹ nhé.

- ........

- Vâng, con biết, mẹ mua nhiều đồ ăn quá ạ? Thôi bỏ tủ lạnh ăn dần vậy mẹ.

- ...........

- Vâng, con cũng nhớ mẹ lắm.

20hg tối.

Điện thoại của mình reo...

- Tao xin lỗi, xã nhà tao bận làm ăn nên không về được. Mà tao không dám đi một mình. Sợ dâu mới về, buổi tối, chồng thì ở nhà, vợ thì bỏ đi chơi. Sáng mai cả làng bàn tán mệt lắm.

- ........

- Thôi mà, chúng mày đừng giận tao đi mà. Xã nhà tao cũng bất đắc dĩ phải đi làm ngày nghỉ thôi mà. Cũng phải hy sinh không đi tụ tập bạn bè đấy chứ, nên tao không dám làm càn.

- ........

- Ừ, chúc mừng năm mới nhé!

- Năm mới, để giữ thể diện cho chàng, mình đã nói dối mới!

24h đêm.

Chẳng điện thoại của ai reo cả. Tivi hát bài hát của ABBA nổi tiếng, tiếng pháo phụt Trung Quốc ở các nhà bên phì phì… Ngoài Hồ Tây, nhà nước cũng bắn pháo hoa đì đùng. Tiếng xe máy của các nhà đi chơi rồ ga rộn rã...

Mình leo lên mái nhà.

Ngồi hát một mình.

Và khóc.

Chúc mừng năm mới nhé cô dâu trẻ!!!

(Trích Khi lấy chàng - Nhật ký của cô dâu trẻ, sách do Sahara phát hành)

Còn tiếp...

Khi lấy chàng (tiếp)

Kiếp làm dâu

Nguyễn Thị Thu Hiền

Ngày đầu tiên làm dâu...

Nằm mãi không ngủ được. Mình sợ ngủ quên. Bóng tối khiến mình càng lạ nhà hơn, mình chỉ biết định hướng đâu là cái đồng hồ. Tích tắc... tích tắc...

Mẹ dặn, bác cả dặn, hai bà cô dặn, tổng cộng sáu bà dì cũng dặn: "Phải dậy từ 5h sáng mà quét nhà đấy nhá, cọ ấm chén nữa, làm bữa sáng nữa... rõ chưa?".

Và mình cũng sợ bị "giang hồ" đồn là cô dâu này lười lắm, nên phải cố mấy ngày đầu thôi. Trời ơi, sao đêm dài thế. Mẹ ơi, con nhớ mẹ. Nhìn sang bên, tự dưng thấy căm thù chàng. Vì chàng mà mình đến nông nỗi không dám ngủ thế này đây......

Bịch
…Ơ.....ôi....ơ....

Mình giật mình tỉnh giấc, nhìn vội đồng hồ đã 6h30 từ lúc nào. Chàng ném cái chân gác dở của mình chễm chệ đặt lên cổ chàng khiến mình đứt giấc. Trời ơi, mình... sao mình dám ngủ trong cái thời bom đạn này. Trời ơi, phi ra khỏi giường ngay thôi!

... Bữa sáng...

7h cả nhà mới túc tắc dậy từng người một. Ai cũng uể oải, chắc bởi hôm qua diện lắm thứ quá làm cơ thể quá tải. Lại ăn thừa chất nữa. Quả này bữa sáng mình không phải làm đây.

Nhưng... sau một tiếng quét ba tầng nhà, dọn vệ sinh sân vườn, cọ ấm chén... thấy mẹ chồng đi đun lại thức ăn hôm qua, mình hốt hoảng vào bếp. Thôi xong rồi, bữa sáng muộn.

Mình sợ.

Mẹ chẳng nói gì.

Mình thở phào nhẹ nhõm. Ôi sao mình may mắn thế.

Mãi về sau, mình mới biết rằng mẹ im lặng... để chiều mang sang hàng xóm kể!

Chàng vẫn ngủ quay đơ quên cả về nhà vợ lại mặt. Mình chỉ muốn òa khóc.

Tức quá. Trời ơi, các chị ơi, những đồng đội hay buôn chuyện với nhau ơi, giờ thì em tin vì sao các chị bảo em hôn nhân là cái toa lét rồi. Đúng là người ở ngoài thì chỉ muốn vào. Và người ở trong chỉ muốn ra. Quả này em ham rẻ lấy phải chàng rồi. Của rẻ là của ôi rồi. Đứa nào xui em lấy chồng hơn nhiều tuổi cho nó sướng, thế là em chọn chàng hơn em 6 tuổi, để giờ em biết mình hớ rồi. Kiểu này phải ngồi thiền lại để nhớ đứa nào xui mất thôi. Hu... hu...

... Ba ngày sau...

Họ bên nội có giỗ, và nhà chàng đăng cai tổ chức. Thế vận hội này đông thật. Thanh niên nhiều mà các cụ cũng nhiều. Mình có cơ hội để biết ai thì phải xưng hô như thế nào. Nhưng ngượng thật, các em đều hơn tuổi mình, ngày xưa chưa lấy chàng, chúng nó đều gọi mình bằng em. Giờ mình đâm ra sợ!

... Ăn... ăn... ăn...

... Tám... tám... tám...

... Ăn... ăn... ăn...

... Tám... tám... tám...

Cuối cùng, thế vận hội giỗ đã xong. Các cô thanh niên xì tin dọn hộ mình bát đũa ra sân, cười nói tưng bừng. Cứ ngỡ chị em sẽ có cơ hội gần nhau hơn khi cùng rửa bát. Nhưng...

Đứa thứ 1: Thôi, em về đi học đây.
Đứa thứ 2: Em cũng thế.
Đứa thứ 3: Em chiều nay có hẹn quan trọng lắm, chị làm hộ em nhá.
Đứa thứ 4: Để em vào xem có ai sai cái gì không nhá...
Đứa thứ n: ... 1.001 lý do
...
Ngoài sân, xe máy, bàn ghế, mình, sáu mâm bát đã ăn xong, ba cái xô nước và một niềm tin: chàng sẽ tới bên mình tựa như anh hùng cứu mỹ nhân.


... Một tuần sau...

Hôm thế vận hội giỗ, chàng say nên bò đi sân vận động Hàng Chiếu. Mình vừa rửa bát vừa hát cho chóng xong việc. Hát hết những bài đã thuộc, hát cả đến những bài chưa thuộc, rồi huy động nốt những bài chỉ thuộc một câu còn đâu là ư ử giai điệu, cuối cùng mình cũng xong. Nghĩ thầm, ở nhà mẹ thì lười thế!

Còn hôm nay, ông trời ơi, ông trời giúp mình rồi, cuối cùng cũng đến ngày đi làm lại. Nhớ công ty quá. Người ta thì có một tuần trăng mật ở đâu đó, còn mình có một tuần vỡ mật ở nhà. Cũng tại mình, không dám đi tuần trăng mật sợ tiền sử nhà chàng chưa có ai đi, nay mình đầu têu sẽ bị coi là phá hoại, mình đành bảo chàng ở nhà với bố mẹ cho vui. Giờ càng nghĩ càng thấy tiếc. Đành lòng mong mau mau đến ngày đi làm. Mừng quá là mừng thôi.

Ngày đầu tiên đi làm lại, cảm giác như cô học trò mới xin được việc, lại lâng lâng tự do. Chỉ có điều, nhìn thấy những anh đẹp trai ngoài đường, tự dưng thấy tiếc. Biết vậy, mình ở giá cho các anh ấy thèm.

(Trích Khi lấy chàng - Nhật ký của cô dâu trẻ, sách do Sahara phát hành)

Còn tiếp...

Khi lấy chàng

Nguồn : evan.vnexpress.net
Con đường tình yêu

Nguyễn Thị Thu Hiền

... Trước khi cưới chàng 11 năm...

Mình là bạn thân của em gái út nhà chàng. Hai đứa chỉ biết học mà không biết làm đẹp là gì. Luộm thuộm, ngốc nghếch, chỉ thích đọc truyện: 7 viên ngọc rồng. Mục tiêu cố sao cho điểm phẩy cuối năm không được dưới 7,0.

Chàng là sinh viên đại học. Da trắng, râu cạo rồi nhưng vẫn xanh rì nửa mặt, gầy gò với chiếc xe đạp Thống Nhất không còn biết màu nguyên bản. Và, mỗi khi Tết đến chàng mừng tuổi mình 2.000đ.

Năm ấy, Hà Nội bắt đầu có xe buýt, tuyến Bờ Hồ là 2.500đ. Hai con bé học lớp 8 rủ nhau đi chơi Tết bằng xe buýt cho đỡ tò mò, dù đứa nào cũng say xe. Chàng phá lệ mừng tuổi mình 3 tờ 2.000đ và xoa đầu bảo: "Còn phải mua vé lượt về mà". Em gái chàng làu bàu đằng sau với con mắt mang hình viên đạn: "Mừng tuổi nó những 3 tờ, mừng tuổi người ta có mỗi một tờ...!!!". Mình sướng hết chỗ nói.

... Trước khi cưới chàng tám năm...

Mình đã là nữ sinh trung học. Buồn cười, mấy anh lớp trên cứ cưa mình, mà không cưa con bạn mình. Nó ức mình lắm. Nhưng chàng vẫn mừng tuổi và xoa đầu mình mỗi khi Tết đến. Chắc thời giá leo thang, giờ là 10.000đ.

Có lúc mình tự hỏi: "Anh không biết là em lớn rồi sao?".

Một hôm, con bạn mình khoe anh mang bạn gái về nhà, tự dưng mình thấy lòng tan nát. Mình buồn như bị điểm 1 vậy. Rồi lại nghĩ: "Thôi, anh cứ yêu đi, yêu xả láng bao nhiêu cũng được. Nhưng... em sẽ là người chờ anh ở cuối con đường tình!!!".

Giờ nghĩ lại, sao mình lại khiếp thế nhỉ? Ăn nói vu vơ thế mà lại thành lời sấm truyền, sợ thật.

... Trước khi cưới chàng ba năm...

Mình hãnh diện khi chỉ còn một năm nữa tốt nghiệp đại học. Vừa đi học, vừa đi làm, nhà lại có quán nước ven hồ Tây nữa, nên mình bận tối mắt tối mũi, chẳng còn thời gian đi đâu. Có lẽ vì vậy những con thiêu thân tự đến. Quán của mẹ lúc nào cũng đông.

Thường 11h đêm mẹ dọn hàng về. Thế là những chàng trai đứng dậy thi nhau dọn giúp mẹ. Thật là vui. Quán lúc nào tiếng cười cũng tràn khắp. Rồi ở cơ quan nữa, ở lớp nữa, mình vui vì được mọi người quan tâm yêu mến.

Chàng đến vào một buổi bán hàng giúp mẹ. Chàng khoe là chàng đi thăm bạn, tiện đường ghé qua. Về sau khi cưới rồi chàng mới để lộ rằng hôm đó chàng bốc phét.

Ngồi một xó không dám nói gì. Chàng và cốc trà đá!!! Bẻ các khấc ngón tay và nhìn ra hồ.

Hết giờ bán hàng.

Mẹ, mình, các chàng trai khác lại cùng dọn hàng. Chàng đứng dậy, móc ví trả tiền mới sợ chứ, xin phép... bác ở... cháu về!!!

Tự dưng, mình bắt đầu ghét chàng.

... Trước khi cưới chàng hai năm...


Rất nhiều biến cố xảy ra trong một năm ngồi với cốc trà đá của chàng. Những khi chàng nhào tới giải quyết các rắc rối mình gây ra ở công ty mới. Những hôm chàng ngồi mốc ở nhà mình trong khi mình đi chơi với bạn. Cuối cùng, mình trả lời cái lời yêu của chàng rằng: "Em phải yêu cho đủ sáu anh, người thứ bảy em sẽ lấy. Để còn có cơ hội xếp sáu anh kia ăn một mâm!". Chàng lặng lẽ di đầu mũi giầy xuống đất. Lặng lẽ đứng lại chỗ hẹn, mình tung tăng bỏ về, trong lòng đầy hả hê. Đáng đời!

Quả thật, mình ghét chàng.

... Hai năm sau...

Không hiểu vì sao mình lại đồng ý cưới chàng. Đến tận bây giờ vẫn không hiểu. Trước khi cưới nhau một năm, mẹ chàng đi xem bói còn bảo là lấy mình về trong nhà sẽ có người chết cơ mà. Mình đã dứt khoát bỏ chàng, bỏ tên đàn ông hiền lành đến mức mẹ nói thế mà cũng mang ra kể với mình. Vậy mà loanh quanh vẫn lấy chàng. Cuộc hôn nhân mà có lẽ chàng là kẻ thắng cuộc. Chiến thuật không cưa mình mà cưa bố mẹ, họ hàng, ông bà của chàng đã thành công. Còn mình, ồn ào như một cơn bão… thua cuộc. Mình lấy chàng mà không quên được câu bố mẹ nói: "Nó hiền lành thế mới không sợ trai gái, rượu chè, hút chích".

Trong hai năm, chàng cứ đi đâu theo mình, bạn bè lại hỏi: "Ai đấy?" với ánh mắt tinh quái. Còn mình, vẩy tay làm hiệu, trả lời như đúng rồi: “À, đệ ấy mà". Chàng cười cười, không có ý kiến gì phản kháng. Miết rồi cũng quen. Ngày về quê mình ra mắt, mấy đứa em họ ùa ra hỏi: "Ai đấy hả chị?". Chàng nhanh nhẹn đỡ lời: "À, anh là đệ của chị Hiền". Cả lũ trố mắt. Không ai dám hỏi gì nữa, lẩn xa chị nó sạch.

Cuối năm ấy, mình ôm bó hoa về theo chàng. Bắt đầu những ngày tháng đầy bất ngờ và thách thức.

Thứ Tư, 5 tháng 8, 2009

The struggle - Tranh đấu

Sometimes, struggle is what we need in life. If our life is so smooth, it will be hard for us to realize how strong we are ... Let's take consideration on these things:

You need the strength, and life puts forward difficulties for you to overcome.

You need the intelligence, and life grants you the brain and hands to work.

You need the bravery, and life offers you challenges to conquer.

You need love, and life brings you people in great need to help.

You need the favor, and life gives you opportunities.

You know, life can't grant you all what you want, but it gives you all what you need.

Thỉnh thoảng, sự tranh đấu là điều cần thiết cho cuộc sống. Nếu cuộc sống trôi qua quá phẳng lặng, nó sẽ làm chúng ta khó nhận thức được sức mạnh mà chúng ta đang có. Bạn hãy thử nghĩ mà xem:

Để giúp bạn vượt qua những khó khăn, cuộc sống đã cho bạn sức mạnh.

Bạn cần sự thông minh, cuộc sống đã tạo nên những vấn đề cho bạn giải quyết.

Và bạn có biết, cuộc sống đã cho bạn trí não và đôi tay để bạn làm việc, giúp cho bạn thành công ?

Bạn cần sự can đảm, vì thế cuộc sống đã đặt ra những thử thách để bạn đương đầu.

Khi bạn cảm thấy cần được yêu thương chia sẻ, chính cuộc sống đã đưa những người khó khăn đến cho bạn giúp đỡ.

Rồi bạn cần sự ưu ái, cuộc sống lại một lần nữa mang đến cho bạn những cơ hội.

Đừng bao giờ phàn nàn về cuộc sống của chính bạn. Hãy nhớ là cuộc sống đã đem lại cho bạn tất cả những gì bạn cần. Vâng, cũng chính cuộc sống từ chối không cho bạn tất cả những gì bạn muốn.


( Thấy quái không, đúng là dịch thuật có khác, ý thì giống mà lời thì không. Còn lâu mình mới đạt trình độ như zậy. Hichic)

Thứ Tư, 29 tháng 7, 2009

Con thằn lằn

Nguồn : kynangsong.org

Đây là một câu chuyện có thật ở Nhật Bản.
Một người Nhật muốn sửa lại ngôi nhà đôi chút, nên đã phá bức tường đi.
Nhà ở Nhật thường có một khoảng rỗng nhỏ giữa các bức tường gỗ. Khi phá những bức tường, người đó nhìn thấy một con thằn lằn bị mắc kẹt vì có chiếc đinh từ phía ngoài đóng dính vào chân nó.
Người ấy nhìn thấy vậy, thế nên rất thương cảm, nhưng cũng hết sức tò mò vì khi kiểm tra chiếc đinh, anh thấy nó được đóng từ khi mới xây, tức là từ 10 năm nay rồi.
Chuyện gì đã xẩy ra vậy?
Con thằn lằn sống như thế ở một khoảng trống trong tường trong suốt 10 năm không hề xê dịch. Một điều tưởng chừng như quá dị thường, thậm chí là không thể.
Và anh ta đã tự hỏi làm sao con thằn lằn sống suốt 10 năm mà không hề đi một bước nào vì chân nó đã bị đóng đinh.
Anh ta tạm ngừng làm việc, ngồi một góc quan sát con thằn lằn, xem nó làm gì và có gì để ăn. Một lúc sau không biết từ đâu xuất hiện một con thằn lằn khác, miệng ngậm thức ăn, bò về phía con thằn lằn mắc kẹt.
Không biết con thằn lằn mang thức ăn tới có họ hàng gì với con thằn lằn mắc kẹt hay chúng cùng một gia đình? Nhưng nó đã mang thức ăn tới trong suốt 10 năm. Không mệt mỏi, không từ bỏ hy vọng. Và nếu như người Nhật kia không phá bức tường thì không biết sự yêu thương này còn tiếp tục đến bao giờ?
Trong một xã hội đầy đủ những tiến bộ về công nghệ thông tin, sự tiếp cận của chúng ta đối với thông tin ngày càng nhanh hơn, liên lạc ngày càng dễ hơn. Nhưng khoảng cách giữa con người với nhau... dường như mỗi ngày một xa hơn….

Thứ Năm, 16 tháng 7, 2009

Desktop của tui: Bắt đầu bằng màu đen huyền bí

Thấy mọi người làm khí thế quá, KimKha cũng xin góp vui nè...

Đen toàn tập nè... Theme đen và Gmail cũng đen...


Nếu mọi người muốn tìm kiếm hoặc customize theo ý của mình thì nên vào trang http://customize.org/xpthemes/ đi, người ta có sẵn rất nhiều theme và còn chỉ cách customize theo ý của mình nữa...
Nhưng trước hết phải tải cái này về cài: http://www.softpedia.com/get/System/OS-Enhancements/SP3-UxTheme-Patcher.shtml

Thứ Ba, 14 tháng 7, 2009

Những chuyện kể của Beedle Người Hát Rong _J.K.Rowling

Theo Báo Tuổi trẻ
Những chuyện kể của Beedle người hát rong
(Thứ sáu, 19/12/2008 02:04:33 PM)

Là những câu chuyện kể chắc chắn được ưa thích trên giường ngủ, tất nhiên là với trẻ con. Và tất nhiên người lớn phải đọc nếu muốn kể lại. Sẽ không mất nhiều thời gian vì mỗi truyện chỉ chừng mươi trang sách, câu chuyện kể lại cũng chỉ tốn chừng ấy phút. Nhưng dư vị để lại chắc chắn còn dài.

Khi viết những câu chuyện này, J.K. Rowling dường như không muốn thi triển tài kể chuyện. Và mặc dù là những chuyện kể về phép thuật, nhưng mỗi câu chuyện hầu như không mô tả sự linh diệu của phép mầu phù thủy, mà chỉ mô tả một khía cạnh ít được chú trọng của thế giới lạ lùng. Lạ lùng với Cậu phù thủy và cái nồi tưng tưng, lạ lùng với Nguồn suối Vạn Hạnh, lạ lùng với Thỏ lách lách và gốc cây khanh khách... nhưng lạ lùng trong mỗi truyện của J.K. Rowling kỳ thực là những điều rất bình thường.

Dùng phép thuật mà người cha truyền lại để cứu những người khốn khổ, đó là điều bình thường mà "cái nồi tưng tưng" cứ quậy tưng để bắt cậu phù thủy con phải làm. Là "nguồn suối Vạn Hạnh" nhưng thật sự ở đấy chẳng có phép mầu nào, phép mầu thật sự chỉ xuất hiện khi những phù thủy tước bỏ pháp thuật của mình để hành động và yêu thương như một người bình thường. Xúc cảm và suy nghĩ từ những điều bình thường, cũng là điều dễ hiểu, khi mà J.K. Rowling muốn ra mắt tập sách này để từ giã thế giới phù thủy mà bà đã sáng tạo trong 17 năm qua.

Những câu chuyện này, như của người "phép thuật đầy mình" viết lại cho những phù thủy con, từ những bước cơ bản về phép thuật. Nhưng cao hơn là luật và đạo lý sống. Nói như tác giả thì những người chiến thắng ngoài sự tài tình, còn cần phải có lương tri và sự tử tế.

Cũng đừng nghĩ những người có phép thuật là không vướng vào rắc rối. Bằng chứng là thế giới nhân vật phép thuật trong cuốn sách này nhiều khi còn gặp nhiều phiền toái hơn cả chúng ta. Như thế, phép thuật chỉ là một công cụ chứ không phải là tất cả. Ðối với bạn đọc người lớn thì có thể thấy ở tập sách này những ẩn dụ nho nhỏ, còn trẻ con đọc (hay được nghe kể lại) sẽ thấy một miền cổ tích bao la. Ðó có lẽ là cái hay biết "tàng hình" trong tập sách này.

Ðã tuyên bố "chia tay" với Harry Potter sau khi tham gia dịch cả bảy tập, nhưng rồi nhà văn Lý Lan đã quay lại với Những chuyện kể của Beedle người hát rong. Theo nhà văn Lý Lan, những ai từng đọc Harry Potter không thể bỏ qua tập sách mỏng này, nhưng những ai chưa từng đọc Harry Potter cũng có thể đọc một cách say mê, bởi tác phẩm này có giá trị văn học độc lập. Và sẽ là một gợi ý cho các nhà văn VN viết truyện thiếu nhi khi những câu chuyện kể rõ ràng, duyên dáng, về những điều tử tế vẫn luôn được các em tìm đọc...

T.N.T
(Nguồn: Báo Tuổi Trẻ)

1. CẬU PHÙ THỦY VÀ CÁI NỒI TƯNG TƯNG

Ngày xưa có một ông già phù thủy tốt bụng ưa xài pháp thuật một cách hào phóng và khôn ngoan để giúp ích cho bà con lối xóm. Không muốn lộ bí mật nguồn gốc thực của quyền phép mà ông có, ông giả bộ như những thứ cao đơn hoàn tán và bùa chú chế sẵn vọt ra từ một cái vạc nhỏ mà ông gọi là cái nồi hầm may mắn của ông. Dân chúng ở chung quanh cách nhiều dặm đường đem những nỗi khốn khó của họ đến tìm ông, và ông già phù thủy vui vẻ khuấy cái nồi lên và mọi thứ đâu vô đó.



Ông phù thủy được mọi người kính mến này sống thọ ơi là thọ, rồi chết, để lại tất cả của cải cho người con trai duy nhứt. Tánh nết người con trai này lại rất khác với người cha nhân hậu. Theo ý cậu thì tất cả những ai không làm ra được phép thuật đều là đồ vô tích sự, và hồi trước cậu đã thường cự nự thói quen ban bố sự giúp đỡ phép thuật cho bà con lối xóm của cha cậu.

Khi cha chết rồi, cậu con trai phát hiện một cái gói nhỏ có đề tên mình được giấu bên trong cái nồi hầm cũ kỹ. Cậu mở gói ra, hy vọng có vàng, nhưng lại chỉ thấy một chiếc dép êm êm ú ù, nhưng quá nhỏ không mang được, vả lại cũng không đủ đôi. Trong chiếc dép có một miếng giấy da ghi mấy chữ: “Rất mong con sẽ không bao giờ cần đến nó, con à.”

Cậu con trai cằn nhằn cái đầu già nua lẩm cẩm của cha mình rồi quăng trả chiếc dép vô cái vạc, quyết định từ nay trở đi dùng nó làm cái thùng rác.

Ngay đêm hôm đó một bà nông dân đến gõ cửa. Bà nói với cậu phù thủy:

“Thưa cậu, con cháu gái của tôi đang điêu đứng thảm sầu vì bị mụn cóc mọc rộ lên. Trước đây ba của cậu thường trộn một thứ thuốc cao dán đặc biệt trong cái nồi hầm cũ đó…”

“Biến ngay!” Cậu con trai quát. “Mắc gì tôi phải bận tâm đến mụn cóc của một con ranh hử?”

Và cậu đóng sập cánh cửa vào mặt bà cụ.

Ngay lập tức một tiếng lanh canh rổn rảng vang lên từ nhà bếp. Cậu phù thủy thắp sáng cây đũa phép và mở cánh cửa ra, và mèn ơi, cậu kinh ngạc nhìn cái nồi hầm cũ của cha cậu: nó đã mọc ra một cái chân duy nhứt bằng đồng, và nó đang nhảy tưng tưng tại chỗ, ngay ở giữa sàn nhà bếp, gây ra những tiếng động dễ sợ trên nền đá lát sàn.

Cậu phù thủy tò mò đến gần nó, nhưng vội nhảy thụt lùi lại ngay khi cậu thấy trên toàn bộ mặt nồi chi chít những mụn cóc.

“Đồ gớm ghiếc!” Cậu la lên, và cậu tìm cách, trước tiên, hô biến cái nồi, rồi làm phép cạo sạch nó, và cuối cùng là tống khứ nó ra khỏi nhà. Thế nhưng mà, chẳng có bùa phép nào của cậu linh nghiệm cả, và cậu không cách nào không cho cái nồi nhảy tưng tưng theo cậu ra khỏi nhà bếp, và rồi theo cậu lên giường, nện lanh canh rổn rảng trên mỗi bậc cầu thang bằng gỗ.

Suốt đêm cậu phù thủy không tài nào ngủ vì cái nồi cũ bị mụn cóc cứ nện vô cạnh giường, và sáng hôm sau cái nồi cứ nhứt định nhảy tưng tưng theo cậu tới bàn điểm tâm. Lanh canh, lanh canh, lanh canh, cái nồi một chân bằng đồng bước đi, và cậu phù thủy còn chưa kịp bắt đầu ăn món cháo thì lại nghe có tiếng gõ cửa nữa.

Và một ông già đứng ngay ở ngưỡng cửa.

“Thưa cậu, con lừa già của tôi ấy mà,” Ông già giải thích. “Lạc rồi, hoặc là bị chôm mất, mụ lừa ấy, mà không có mụ thì tôi không thể nào thồ hàng ra chợ, và gia đình tôi sẽ đói tối nay.”

“Còn tôi thì đang đói bây giờ nè!” Cậu phù thủy rống lên, và cậu đóng sập cánh cửa vào mặt ông già.

Lanh canh, lanh canh, lanh canh, cái chân đồng độc nhứt của cái nồi hầm bước đi trên sàn, nhưng âm thanh nó phát ra lúc này hòa lẫn tiếng kêu be be chói tai của con lừa và tiếng người rên rỉ vì đói, vang vọng từ đáy nồi.

“Yên đi! Im đi!” Cậu phù thủy hét, nhưng tất cả quyền phép của cậu vẫn không thể khiến cái nồi mụn cóc chịu im, nó cứ nhảy tưng tưng theo sát gót chân cậu suốt cả ngày, kêu be be, rên ư ử, nện lanh canh, cho dù cậu đi đâu hay làm gì.

Buổi tối đó lại vang lên tiếng gõ thứ ba trên cánh cửa, và một người đàn bà trẻ đứng ở ngưỡng cửa khóc nức nở như thể trái tim cô sắp vỡ tan. Cô nói:

“Đứa con nhỏ của tôi bị bệnh nặng quá. Cậu nỡ nào không giúp mẹ con tôi? Cha của cậu biểu tôi đến khi có khó khăn…”

Nhưng cậu phù thủy đóng sập cánh cửa vào mặt cô.

Và bây giờ cái nồi gây sự bỗng đầy ắp nước mặn chát, và nước mắt sóng sánh tràn qua mép nồi văng tứ tung trên sàn khi cái nồi nhảy tưng tưng, và kêu be be, và rên ư ử, và xì thêm nhiều mụn cóc.

Mặc dù cho đến cuối tuần chẳng còn người dân làng nào tìm đến ngôi nhà cậu phù thủy để nhờ giúp đỡ nữa, cái nồi vẫn cứ không ngừng thông báo cho cậu về tình hình bệnh tật tùm lum của nó. Nội trong vài ngày, nó không chỉ kêu be be và rên ư ử và tràn nước mắt và nhảy tưng tưng và xì mụn cóc, mà nó còn nghẹt thở, nôn ọe, khóc lóc như một đứa con nít, rên như một con chó, ói ra phô mai thúi và sữa chua và một đống sên đói.

Với cái nồi sát một bên, cậu phù thủy không thể nào ngủ hay ăn, nhưng cái nồi không chịu bỏ đi, và cậu không thể nào làm cho nó đứng yên hay khiến nó im lặng.

Cuối cùng cậu phù thủy không thể nào chịu nổi nữa. Cậu gào:

“Hãy đem đến ta tất cả phiền toái, tất cả rắc rối, tất cả khổ đau của các người!”

Cậu chạy vào đêm tối, cái nồi lót tót nhảy theo sau trên con đường vào làng.

“Cứ đến! Để tôi chữa lành các người, hồi phục các người, và khuyên giải các người! Tôi có cái nồi hầm của cha tôi, và tôi sẽ chữa cho mọi người khỏe mạnh!”

Và cậu vừa chạy trên đường cái vừa ếm bùa ra tứ phía thập phương, trong khi cái nồi hôi hám vẫn nhảy tưng tưng theo sau cậu.

Bên trong một căn nhà, mấy cái mụn cóc của cô gái nhỏ biến mất tiêu khi cô bé ngủ; con lừa được triệu về từ bãi cỏ thạch nam ở rất xa và được nhẹ nhàng đặt vào chuồng của nó; đứa bé bị bệnh được rảy nước cây bạch tiễn và tỉnh lại, hồng hào và bụ bẫm. Ở mỗi ngôi nhà có bệnh tật và khổ đau, cậu phù thủy đều ráng hết sức mình, và dần dần cái nồi bên cạnh cậu thôi rên rỉ và nôn ọe, trở nên im lặng, sạch sẽ, bóng láng.

“Sao hả, nồi?” Cậu phù thủy mệt run hỏi, trong lúc mặt trời bắt đầu mọc lên.
Cái nồi ợ ra một chiếc dép lẻ mà cậu đã quăng vào nồi, và cho phép cậu mang nó vào cái chân đồng vừa khít. Cả hai cùng nhau lên đường trở về của cậu phù thủy, tiếng chân của cái nồi rốt cuộc đã nín khe. Nhưng từ ngày hôm đó trở đi, cậu phù thủy giúp đỡ bà con lối xóm như cha của cậu đã làm trước đó, để cái nồi khỏi phải quăng dép ra nhảy lưng tưng một phen nữa.

BÌNH LUẬN CỦA CỤ ALBUS DUMBLEDORE VỀ “CẬU PHÙ THỦY VÀ CÁI NỒI TƯNG TƯNG”

Một ông già phù thủy tử tế quyết định dạy cho con trai một bài học bằng cách cho cậu nếm trải nỗi khốn cùng của dân Muggle ở địa phương. Lương tâm của cậu phù thủy trẻ được đánh thức, và cậu đồng ý sử dụng bùa phép của mình giúp đỡ những người láng giềng không phép thuật. Một câu chuyện ấm lòng và đơn giản, người ta có thể nghĩ vậy – trong trường hợp đó, người ta sẽ tự để lộ ra mình là một kẻ lù đù vô tư. Một câu chuyện ủng-hộ-Muggle cho thấy người cha thương-Muggle có bùa phép cao siêu hơn cậu con ghét-Muggle chứ gì? Chẳng đáng lấy làm ngạc nhiên cho lắm là chẳng còn quyển sách bản gốc nào của câu chuyện này thoát được ngọn lửa mà chúng thường bị quẳng vào.

Beedle đã ở một mức độ nào đó đi trước thời đại của mình trong rao giảng một thông điệp về tình thương huynh đệ đối với dân Muggle. Sự ngược đãi phù thủy và pháp sư đã gia tăng trên khắp châu Âu vào đầu thế kỷ mười lăm. Nhiều cộng đồng pháp thuật cảm thấy, một cách chính đáng, rằng ếm bùa chữa bệnh con heo quặt quẹo của tay-hàng-xóm-Muggle thì chẳng khác nào tự nguyện đi vác củi chất lên cái giàn hỏa thiêu chính mình.(1) “Cứ mặc xác bọn Muggle tự lo liệu, khỏi cần chúng ta!” là lời hô hào, khi các pháp sư ngày càng tách xa khỏi những người anh em Muggle của họ, đạt tới căng thẳng tột đỉnh qua việc ban hành Đạo luật Quốc tế về Bí mật Pháp thuật vào năm 1689, khi giống nòi phù thủy tự ý rút vào hoạt động bí mật.
Tuy nhiên, trẻ em là trẻ em, hình ảnh ngộ nghĩnh của cái Nồi Tưng tưng đã thâm nhập vào trí tưởng tượng của chúng. Giải pháp là lược bỏ đi giá trị đạo đức ủng hộ Muggle, nhưng giữ lại cái vạc mụn cóc, cho nên đến giữa thế kỷ thứ mười sáu một phiên bản khác của câu chuyện được lưu hành rộng rãi trong các gia đình phù thủy. Trong câu chuyện đã bị biên tập lại đó, cái Nồi Tưng tưng bảo vệ cậu phù thủy khỏi bọn cầm đuốc săn lùng hung hăng và bọn láng giềng tráo trở bằng cách đuổi chúng ra khỏi ngôi nhà của cậu phù thủy, tóm đầu chúng và nuốt trộng cả lũ. Kết thúc câu chuyện, khi mà cái Nồi Tưng tưng đã ngốn hầu hết bà con trong xóm, cậu phù thủy được dăm ba dân làng còn sót lại cam kết là sẽ để cho cậu được sống yên ổn mà trổ tài phép thuật. Đổi lại, cậu ra lệnh cho cái Nồi thả các nạn nhân đã bị nó ngốn, những người đó lần lượt được ợ ra từ dưới đáy nồi, hơi hơi bị khét. Cho đến tận ngày nay, một số trẻ con phù thủy chỉ được nghe kể câu chuyện đã bị cha mẹ chúng (thường có đầu óc chống-Muggle) biên tập lại, còn câu chuyện nguyên tác, nếu chúng có dịp đọc, khiến chúng ngạc nhiên vô cùng.

Dù vậy, như tôi đã gợi ý, quan điểm ủng-hộ-Muggle của câu chuyện không phải là lý do duy nhất khiến cho chuyện “Cậu phù thủy và cái Nồi Tưng tưng” thu hút sự phẫn nộ. Khi những cuộc săn lùng phép thuật trở nên khốc liệt hơn, các gia đình phù thủy bắt đầu sống hai mặt, dùng bùa bưng bít để bảo vệ bản thân và gia đình mình. Vào thế kỷ thứ mười bảy, bất cứ phù thủy hay pháp sư nào muốn thân thiện với dân Muggle đều bị nghi ngờ, thậm chí trở nên kẻ bị chính cộng đồng của mình ruồng bỏ. Trong số rất nhiều những sự xúc phạm nhắm vào những phù thủy và pháp sư ủng-hộ-Muggle (những kiểu gán tên gọi nham nhở như “Đồ-nhúng-bùn”, “Đồ-liếm-cứt”, và “Đồ-mút-cặn” đều có xuất xứ từ thời kỳ này) có cả việc đổ cho những phù thủy này khả năng yếu kém hay thua cơ về phép thuật.

Những pháp sư có thế lực vào thời đó, như Brutus Malfoy, biên tập báo Chiến tướng lâm trận, một kỳ san chống-Muggle, khắc họa hình tượng một phù-thủy-yêu-Muggle chỉ có tài cán của một Á-phù-thủy.(2) Vào năm 1675, Brutus viết:
"Chúng ta có thể tuyên bố chắc chắn điều này: bất cứ pháp sư nào biểu lộ sự ưa thích đối với xã hội Muggle đều có trí lực thấp, quyền phép yếu ớt và đáng thương hại đến nỗi hắn chỉ tự cảm thấy ưu thế của mình khi ở giữa đám người lợn Muggle.
Không có dấu hiệu yếu kém phép thuật nào chắc chắn hơn sự yếu kém vì bầu bạn với bọn phi-pháp-thuật."

Thành kiến này rốt cuộc cũng tiêu tan trước chứng cứ quá hiển nhiên rằng một số pháp sư lỗi lạc nhứt thế giới(3), theo cách nói thông thường, chính là “những người khoái Muggle”.
Ngày nay sự chống báng cuối cùng đối với chuyện “Cậu phù thủy và cái Nồi Tưng tưng” vẫn tiếp tục tồn tại trong những phường xã nào đó. Có lẽ, điều này được Beatrix Bloxam (1794-1910), tác giả cuốn sách tai tiếng Chuyện kể Nấm dù tổng kết hay nhứt. Bà Bloxam cho rằng Những chuyện kể của Beedle Thi sĩ gây tác hại cho trẻ em bởi vì cái mà bà gọi là “nỗi ám ảnh bệnh hoạn của chúng với những đề tài khủng khiếp nhứt, như chết chóc, bệnh tật, tàn sát, ma thuật, nhân vật bất toàn và xác thân biểu lộ quá lố, và bộc phát theo kiểu tởm lợm nhứt”. Bà Bloxam đem nhiều chuyện kể khác nhau, bao gồm cả chuyện của Beddle, viết lại theo lý tưởng của bà, mà bà diễn tả là “lấp đầy đầu óc tinh khiết của những thiên thần bé bỏng của chúng ta bằng những suy nghĩ vui tươi lành mạnh, giữ cho giấc ngủ ngọt ngào của các cháu không bị những mộng mị quỷ quái ám ảnh và bảo vệ những đóa hoa ngây thơ quý báu của các cháu.”
Đoạn cuối truyện “Cậu phù thủy và cái Nồi Tưng tưng” được bà Bloxam viết lại với cái hậu quý báu và tinh khiết như sau:
"Thế là cái nồi bằng vàng bé bỏng nhảy múa hân hoan – tưng-cà-tưng tưng-cà-tưngtưng! – trên những ngón chân hồng hồng nhỏ tí! Cậu Wee Willykins đã chữa cho tất cả những con búp bê khỏi chứng xà xịt hơi thê thảm, và cái nồi bé bỏng vui đến nỗi nó đầy ắp kẹo cho Wee Willykins và những con búp bê!
“Nhưng chớ có quên đánh những cái cọc-ngà của cậu đấy nhé!” Cái nồi kêu.
Và Wee Willykins hôn và ôm cái nồi tưng cà cưng và hứa luôn luôn giúp đỡ những con búp bê và không bao giờ là trái-bí-xị già chát nữa."

Câu chuyện của bà Bloxam gặp sự phản ứng giống nhau của nhiều thế hệ trẻ em phù thủy: những cơn nộn ọe không kiểm soát được, tiếp theo là một đòi hỏi tức thì rằng cuốn sách phải đem ra xa chúng và đem nghiền thành bột giấy.

Chú thích:
(1) Quả đúng, dĩ nhiên, là các phù thủy và pháp sư chân chính khá giỏi trong việc thoát thân khỏi cọc thiêu sống, thớt chặt đầu, và thòng lọng thắt cổ (xem bình luận của tôi về Lisette de Lapin trong phần bình luận chuyện “Thỏ Lách chách và gốc cây Khanh khách”). Tuy nhiên, vẫn xảy ra một số chết chóc: Ngài Nicholas de Mimsy-Porpington (một pháp sư triều đình thuở sinh thời, và từ thời thì làm con ma Tháp Gryffindor) đã bị tước cây đũa phép trước khi bị nhốt vào một hầm ngục, và đã không thể thi thố pháp thuật để giải thoát bản thân khỏi cuộc hành hình; và những gia đình phù thủy đặc biệt có xu hướng mất mát những thành viên trẻ, những người không có khả năng kiềm chế năng lực phép thuật của mình, và trở nên dễ bị chú ý, dễ bị những Muggle-săn-phù-thủy tấn công.

(2) Một Á-phù-thủy là một người có cha mẹ là phù thủy, nhưng lại không có quyền phép. Những trường hợp như vậy khá hiếm. Phù thủy và pháp sư có cha mẹ là dân Muggle thì phổ biến hơn. JKR

(3) Như tôi chẳng hạn

2. NGUỒN SUỐI VẠN HẠNH

Trên một ngọn đồi cao trong một khu vườn huyền ảo, giữa những bức tường cao vây kín và được bảo vệ bằng phép thuật hùng hậu, một Nguồn Suối Vạn Hạnh tuôn trào.

Mỗi năm một lần, giữa thời khắc mặt trời mọc và mặt trời lặn của ngày dài nhứt, một người bất hạnh duy nhứt được dành cho cơ hội tranh đấu tìm đường lên Nguồn, tắm trong nước suối và hưởng Hạnh phúc đời đời.

Vào ngày được ấn định, hàng trăm người đi từ khắp vương quốc đã đến được những bức tường trước buổi bình minh. Đàn ông và đàn bà, người giàu và người nghèo, người trẻ và người già, người có phép thuật và người không có phép thuật, họ tụ tập trong bóng tối, mỗi người đều hy vọng mình sẽ là người dành được cơ hội vào khu vườn.

Ba cô phù thủy, mỗi người đều gánh nặng buồn khổ, gặp nhau ở bên rìa đám đông, và kể cho nhau nghe nỗi đau của họ trong khi chờ trời sáng.

Người thứ nhứt, tên Asha, điêu đứng vì một chứng bệnh không một thầy thuốc nào chữa khỏi. Cô hy vọng Nguồn Suối sẽ gột rửa những triệu chứng bệnh tật và ban cho cô một cuộc sống hạnh phúc trường thọ.

Người thứ hai, tên Altheda, đã bị một phù thủy ác độc cướp mất nhà, mất vàng, mất cả cây đũa phép. Cô hy vọng Nguồn Suối giúp cô thoát được tình trạng nghèo khổ và không có quyền phép gì cả.

Người thứ ba, tên Amata, đã bị một người đàn ông cô yêu tha thiết bỏ rơi, và cô tưởng trái tim mình sẽ không bao giờ lành lại. Cô hy vọng Nguồn Suối sẽ giải thoát cho cô nỗi buồn và niềm mong nhớ.

Thương xót lẫn nhau, cả ba cô đồng lòng rằng, nếu dịp may rơi trúng họ, họ sẽ đoàn kết và cố gắng cùng nhau đi đến Nguồn Suối.
Bầu trời vừa lóe lên tia sáng đầu tiên của mặt trời, và khe nứt trên bức tường mở ra. Đám đông ùa tới, mỗi người đều thét lên lời cầu xin ân phước của Nguồn Suối. Mấy ngọn dây leo từ trong vườn bò ngoằn ngoèo qua đám đông dồn sát nhau, và tự xoắn quanh mình cô phù thủy thứ nhứt, Asha. Cô bèn nắm lấy cổ tay cô phù thủy thứ hai, Altheda, cô này túm chặt tấm áo của cô phù thủy thứ ba, Amata.
Và Amata bị vướng vào bộ áo giáp của một chàng hiệp sĩ mặt mày buồn hiu ngồi trên lưng một con ngựa gầy trơ xương.
Mấy cọng dây leo kéo mạnh ba cô phù thủy qua khe nứt trên tường và chàng hiệp sĩ bị lôi khỏi yên con chiến mã theo ba cô phù thủy.
Tiếng gào điên tiết của đám đông thất vọng bốc lên trong không khí ban mai, rồi nín lặng khi mấy bức tường quanh khu vườn lại khép kín.
Asha và Altheda tức giận Amata hết sức, vì cô này đã tình cờ mang theo chàng hiệp sĩ.
“Chỉ có một người được tắm Nguồn Suối mà thôi! Không cần thêm một người nữa cũng đã khó quyết định ai trong chúng ta sẽ là người đó.!”
Thế là, ngài Bất Hạnh, tên chàng hiệp sĩ trong thế giới bên ngoài những bức tường, nhận thấy rằng các cô này là phù thủy và, xét mình không phép thuật, không tài cán vĩ đại trong việc cưỡi ngựa đấu thương hay so gươm song đấu, cũng không có bất cứ gì để được coi là trang nam tử phi pháp thuật xuất chúng, chàng hiệp sĩ biết chắc là mình đừng có hòng hy vọng đánh bại được ba người đàn bà để lên tới Nguồn Suối. Chàng ta vì vậy tuyên bố ý định rút lui trở ra ngoài bức tường.
Nghe vậy, Amata cũng nổi giận luôn. Cô mắng chàng hiệp sĩ:
“Đồ yếu bóng vía! Này Hiệp sĩ, hãy rút gươm ra và giúp chúng ta cùng đạt tới mục tiêu!”
Và thế là ba cô phù thủy và chàng hiệp sĩ khốn khổ mạo hiểm tiến vào khu vườn huyền ảo, nơi kỳ hoa dị thảo và rau trái mọc đầy hai bên những con đường ngập nắng. Họ chẳng gặp trở ngại nào cho tới khi đến được chân ngọn đồi có Nguồn Suối phun trên đỉnh.
Tuy nhiên, nằm phục quanh chân đồi là một con Giun trắng kinh dị, múp míp và mù lòa. Khi họ đến gần, Giun xoay cái mặt gớm ghiếc về phía họ, và thốt ra những lời như sau:

“Nộp cho ta bằng chứng nỗi đau của các người”

Ngài Bất Hạnh rút ngay thanh gươm ra và cố gắng giết con quái vật, nhưng lưỡi gươm của chàng bị gãy đôi. Altheda bèn quăng đá vào Giun, trong khi Asha và Amata thử tung ra mọi bùa chú có thể khuất phục hay mê hoặc nó, nhưng quyền lực phát từ cây đũa phép của họ cũng chẳng hiệu quả gì hơn mấy cục đá của Altheda, hay kiếm thép của chàng Hiệp sĩ: con Giun không chịu để cho họ đi qua.
Mặt trời càng lúc càng lên cao trên bầu trời, và Asha, trong tuyệt vọng, đã bật khóc.
Con Giun vĩ đại bèn áp gương mặt của nó vào gương mặt cô và uống cạn nước mắt trên mặt cô. Cơn khát dịu đi, Giun trườn qua một bên, và tan biến vào trong một cái lỗ dưới đất.
Vui mừng trước sự biến mất của con Giun, ba cô phù thủy và chàng hiệp sĩ bắt đầu trèo lên đồi, chắc mẻm họ sẽ đến được Nguồn Suối trước ngọ.
Thế nhưng, nửa đường lên dốc, họ gặp mấy chữ này khắc vào mặt đất trước mặt:
“Nộp cho ta thành tựu lao động của các người.”
Ngài Bất Hạnh lấy ra đồng xu duy nhứt của chàng và đặt lên sườn đồi xanh mượt cỏ, nhưng đồng xu lăn đi và mất tiêu luôn. Ba cô phù thủy và chàng hiệp sĩ tiếp tục trèo lên, nhưng dù họ đi thêm mấy tiếng đồng hồ nữa, họ vẫn không tiến thêm được một bước nào; đỉnh đồi chẳng gần thêm chút nào, và hàng chữ khắc trên mặt đất vẫn còn nguyên trước mặt họ.
Cả bọn đều nản chí khi mặt trời đi qua đỉnh đầu họ và bắt đầu lặn xuống phía chân trời xa xa, chỉ riêng Altheda đi nhanh hơn và chăm chú hơn tất cả và cổ vũ những người khác noi theo gương mình, mặc dù chính cô cũng chẳng di chuyển được chút nào lên ngọn đồi bị phù phép.
“Can đảm lên, các bạn, đừng bỏ cuộc!” Cô kêu lớn, quẹt mồ hôi rịn trên trán.
Khi những giọt mồ hôi rơi lóng lánh xuống mặt đất, hàng chữ chướng ngại vật của họ biến mất, và họ nhận ra mình lại có thể tiến lên.
Vui mừng vì đã vượt qua được vật cản thứ hai này, cả bọn vội vàng dốc hết sức tiến thật nhanh lên đỉnh đồi, cho đến khi họ rốt cuộc thoáng thấy Nguồn Suối, sáng lấp lánh như pha lê giữa một lùm cây cỏ hoa lá.
Nhưng trước khi đến được bên Nguồn Suối, họ gặp một dòng suối chảy quanh ngọn đồi ngáng đường. Dưới đáy dòng suối trong veo có một tảng đá phẳng phiu mang dòng chữ:
“Nộp cho ta kho báu quá khứ của các người.”
Bất Hạnh thử dùng cái khiên của chàng để lướt qua dòng suối, nhưng bị chìm lỉm. Ba cô phù thủy kéo được chàng hiệp sĩ ra khỏi nước, rồi các cô tự mình cố gắng nhảy qua dòng suối, nhưng dòng suối chẳng chịu để họ vượt qua, và ngay lúc đó mặt trời đang chìm xuống chân trời.
Thế là họ đành phải ngẫm nghĩ ý tứ trong cái thông điệp của tảng đá, và Amata là người trước nhứt hiểu ra. Cô cầm cây đũa phép rút từ đầu óc mình ra tất cả ký ức về những lúc vui vẻ hạnh phúc với người yêu đã bỏ đi, rồi thả nó vào dòng nước đang cuồn cuộn chảy. Dòng suối cuốn phăng những ký ức đó đi, và những bậc thềm đá hiện ra, và ba cô phù thủy cùng chàng hiệp sĩ rốt cuộc có thể bước qua để lên được đỉnh đồi.
Nguồn Suối sáng lung linh trước mặt họ, nằm giữa đám kỳ hoa dị thảo quý hiếm và đẹp hơn tất cả những gì họ từng nhìn thấy trong đời. Bầu trời đang ửng màu hồng ngọc, và đã đến lúc quyết định ai trong số họ sẽ là người được tắm.
Tuy nhiên, trước khi họ có thể quyết định, Asha mong manh đã ngã gục xuống đất. Cô mệt gần chết vì đã kiệt sức trong cuộc phấn đấu gian nan lên đỉnh.
Ba người bạn của cô muốn khiêng cô đến bên Nguồn Suối, nhưng trong cơn quằn quại sắp chết, Asha năn nỉ họ đừng đụng vào cô.
Thế là Altheda vội vàng hái tất cả dược thảo mà cô cho là có triển vọng nhứt, trộn hết vô trong bầu đựng nước của chàng hiệp sĩ, rồi đổ món thuốc đó vào trong miệng của Asha.
Ngay lập tức, Asha có thể đứng dậy được. Hơn cả thế, tất cả triệu chứng của căn bệnh lo sợ trong cô biến mất luôn.
Cô hớn hở reo:
“Tôi hết bệnh rồi! Tôi không cần Nguồn Suối nữa – hãy nhường cho Altheda tắm!”
Nhưng Altheda đang bận tíu tít hái các thứ dược thảo cất vào yếm.
“Nếu tôi có thể chữa lành được bệnh này, tôi sẽ kiếm được cả đống vàng! Hãy nhường cho Amata tắm!”
Ngài Bất Hạnh nghiêng mình, ra dấu mời Amata đi về phía Nguồn Suối, nhưng cô lắc đầu. Dòng suối đã cuốn đi hết những nuối tiếc của cô về người tình cũ, giờ đây cô nhận ra hắn đã tàn nhẫn và bạc tình biết bao, và chỉ riêng chuyện cô dứt bỏ được hắn đã là một hạnh phúc rồi. Cô nói với Ngài Bất Hạnh:
“Thưa ngài, ngài phải tắm, đó là phần thưởng cho tất cả nghĩa cử hào hiệp của ngài!”
Thế là chàng hiệp sĩ lanh canh bước tới trong ánh hoàng hôn còn sót lại của mặt trời đang lặn, và tắm trong Nguồn Sối Vạn Hạnh, quá bất ngờ mình là kẻ được chọn trong số hàng trăm người và choáng ngợp với vận may không thể tin nổi này.
Khi mặt trời lặn xuống dưới đường chân trời, Ngài Bất hạnh trồi từ dưới nước lên với vầng hào quang của chiến thắng chính bản thân mình, và chàng, trong bộ áo giáp rỉ sét, gieo mình dưới chân Amata, người mà chàng đã nhận ra là người đàn bà nhân hậu nhứt và xinh đẹp nhứt mà chàng từng để mắt tới. Ngất ngây với thành công, chàng cầu hôn Amata, và cô sung sướng không kém vì nhận ra mình đã tìm được người đàn ông xứng đáng là trang nam tử.
Ba cô phù thủy và chàng hiệp sĩ nắm tay nhau cùng đi xuống đồi, và cả bốn người đều sống thọ trong hạnh phúc, và không ai trong bốn người từng biết hay nghi ngờ là nước Nguồn Suối Vạn Hạnh không hề mang phép mầu nào cả.

Bình luận của cụ Albus Dumbledore về “NGUỒN SUỐI VẠN HẠNH”

Nguồn Suối Vạn Hạnh” vĩnh viễn là chuyện được thích nhứt, thích đến nỗi đó là chủ đề của nỗ lực thuộc một nhóm người muốn đưa một vở kịch câm Giáng sinh vào những lễ hội ở trường Hogwarts.

Bậc thầy Dược thảo học của chúng tôi hồi đó, giáo sư Herbert Beery(1), một người hâm mộ kịch nghệ tài tử nhiệt tình, đã đưa ra một kịch bản phỏng theo câu chuyện trẻ con rất được yêu mến này để chiêu đãi giáo viên và học sinh nhân dịp lễ Nô en. Hồi đó tôi còn là một thầy giáo trẻ dạy môn Biến hình, và thầy Herbert giao tôi phụ trách phần “hiệu quả đặc biệt”, bao gồm việc tạo ra một Nguồn Suối Vạn Hạnh đầy đủ chức năng và một ngọn đồi cỏ biếc tí hon, nơi mà ba nữ nhân vật và nam nhân vật của chúng ta có vẻ cùng sóng bước, trong khi ngọn đồi từ từ chìm xuống sân khấu rồi biến mất.

Tôi cho rằng tôi có thể nói, không đến nỗi tự phụ lắm, rằng cả Nguồn Suối và Ngọn Đồi đều đóng trọn vai trò được giao phó cho chúng với thiện chí hồn nhiên. Ái chà, có thể tương tự như vậy đối với tất cả các diễn viên còn lại. Bỏ qua tạm thời trò hề của con Giun khổng lồ do giáo sư Silvanus Kettleburn, thầy dạy môn Chăm sóc Sinh vật Huyền bí của trường tạo ra, yếu tố tình cảm chứng tỏ là tai họa đối với buổi trình diễn. Giáo sư Beery, trong vai trò đạo diễn, đã lơ đễnh một cách nguy hiểm đối với những mắc nmứu tình cảm đang sôi sục ngay dưới mũi của thầy. Thầy hầu như không biết rằng hai học sinh đóng vai Amata và Ngài Bất Hạnh đã là bồ bịch với nhau cho tới một giờ trước khi bức màn sân khấu được kéo lên, thời điểm mà “Ngài Bất Hạnh” chuyển hướng tình cảm sang “Asha”.

Khỏi cần nói là những kẻ đi tìm Hạnh phúc của chúng ta đã không bao giờ lên được tới Đỉnh đồi. Bức màn thậm chí chưa kịp kéo lên thì con Giun của giáo sư Keeleburn - bấy giờ lộ ra là một con Cuốn Tro(2) được ếm bùa Tọng-đầy-nhóc – đã nổ tung làm tóe ra như pháo hoa bao nhiêu là bụi và tia lửa nóng bỏng, khiến Đại sảnh đường đầy khói và mảnh vụn phông màn. Trong khi mấy cái trứng mà con Cuốn Tro để dưới chân trái Đồi của tôi bốc lửa đốt những tấm ván lót sàn, thì “Amata” và “Asha” xoay vào nhau đánh vật tay đôi một trận kinh hồn đến nỗi giáo sư Beery bị vạ lây, và nhân viên của trường phải di tản Đại sảnh đường, vì ngọn lửa bên trong giờ đây đã bừng bừng ác liệt trên sân khấu và đe dọa nuốt chửng chốn ấy. Phần kết của đêm liên hoan là bệnh thất đầy nhóc bệnh nhân; và nhiều tháng sau Đại sảnh đường mới nhả hết mùi hăng nồng của khói gỗ, thậm chí còn lâu hơn nữa cái đầu của giáo sư Beery mới phục hồi được tầm cỡ thông thường, và giáo sư Kettleburn được gỡ bỏ án treo(3). Thầy hiệu trưởng Armando Dippet nhân đó ban lệnh cấm tuyệt đối những vở kịch câm tương lai, một truyền thống phi-sân khấu kiêu hãnh mà trường Hogwarts duy trì cho đến ngày nay.

Nhưng bất chấp thất bại đầy kịch tính của chúng tôi, “Nguồn Suối Vạn Hạnh” có lẽ là chuyện nổi tiếng nhứt trong những câu chuyện của Beedle, mặc dù, cũng như chuyện “Cậu phù thủy và cái Nồi Tưng tưng”, chuyện này cũng có người phỉ báng. Có ít nhứt một phụ huynh đã đòi hỏi loại bỏ câu chuyện độc đáo này khỏi Thư viện trường Hogwarts, trong số những người này, ngẫu nhiên, có một hậu duệ của Brutus Malfoy, từng là thành viên một-lần của Ủy ban Quản đốc trường Hogwarts, ông Lucius Malfoy. Ông Malfoy đệ trình đòi hỏi cấm câu chuyện đó trong một văn bản:

“Bất cứ tác phẩm hư cấu hay phi-hư cấu nào miêu tả việc lai giống giữa phù thủy và Muggle phải bị cấm lưu hành ở trường Hogwarts. Tôi không muốn con trai tôi bị nhiễm sự hoen ố tính thuần khiết huyết hệ của mình do đọc những câu chuyện cổ xúy hôn nhân phù thủy – Muggle.”

Việc tôi từ chối thu hồi những quyển sách khỏi thư viện được đại đa số Ủy ban Quản đốc ủng hộ. Tôi đã viết lại cho ông Malfoy, giải thích quyết định của tôi.

“Cái gọi là những gia tộc thuần-huyết-thống bảo vệ sự thuần khiết giả định của họ bằng cách từ bỏ, trục xuất, hay giấu giếm về những Muggle hay con cái Muggle trong phả hệ gia tộc của họ. Rồi họ cố gán ghép cái đạo đức giả đó lên những người khác bằng cách đòi hỏi chúng ta cấm những tác phẩm đề cập đến những sự thật mà họ chối bỏ. Không hề có một phù thủy hay pháp sư nào đang sống mà trong huyết quản không có sự pha trộn với huyết thống Muggle, do vậy tôi phải coi việc cấm lưu trữ trong kho tàng tri thức của học sinh những tác phẩm đề cập đến đề tài này là bất hợp lý và vô đạo đức(4).”

Việc trao đổi này đánh dấu sự bắt đầu cuộc vận động lâu dài của ông Malfoy nhằm cách chức tôi khỏi danh vị Hiệu trưởng trường Hogwarts, và cuộc vận động của tôi nhằm loại ông ta khỏi vị trí Tử Thần Thực Tử được sủng ái nhứt của Chúa tể Voldemort.


Chú thích:
(1) Giáo sư Beery cuối cùng đã rời trường Hogwarts để dạy ở W.A.D.A. (Hàn lâm viện Pháp thuật về Nghệ thuật Kịch), ở đó, ông đã có lần thú nhận với tôi, ông vẫn còn giữ mối ác cảm ghê gớm đối với việc chuyển thể sân khấu câu chuyện đặc biệt này, tin là nó rất ư xúi quẩy.
(2) Xem cuốn “Sinh vật huyền bí và nơi tìm ra chúng” để có miêu tả chính xác động vật đáng tò mò này. Chớ có bao giờ tự ý đưa nó vào một căn phòng lát gỗ, cũng đừng bao giờ ếm cho nó bùa Tọng-đầy-nhóc.
(3) Giáo sư Kettleburn sống sót qua không dưới sáu mươi hai đợt án treo trong suốt thời gian nhậm chức giáo viên môn Chăm sóc Sinh vật Huyền bí. Mối quan hệ giữa thầy và vị hiệu trưởng tiền nhiệm của tôi, giáo sư Dippet, luôn luôn căng thẳng. Giáo sư Dippet cho là thầy hơi tưng tửng. Tuy nhiên khi tôi trở thành hiệu trưởng, giáo sư Kettleburn đã tương đối già dặn, mặc dù vẫn luôn luôn có những người có cái nhìn xỉa xói đến nỗi thầy bị buộc đi lặng lẽ hơn trên đường đời với một cái chân rưỡi còn lại.
(4) Thư trả lời của tôi đã khiến cho ông Malfoy viết thêm nhiều bức thư nữa, nhưng vì những thư đó chủ yếu chứa đựng những nhận xét có tính lăng nhục về trí tuệ, dòng dõi, và việc vệ sinh của tôi, nên chúng không thích hợp để trích dẫn trong bình luận này.

3.
“TRÁI TIM LÔNG XÙ CỦA CHÀNG CHIẾN TƯỚNG”

BÌNH LUẬN CỦA CỤ ALBUS DUMBLEDORE VỀ “TRÁI TIM LÔNG XÙ CỦA CHÀNG CHIẾN TƯỚNG”

Như chúng ta đã thấy đó, hai chuyện đầu tiên của Beedle đã khơi lên sự phê phán về chủ đề hào hiệp, khoan dung và tình yêu trong những câu chuyện đó. Thế nhưng, “Trái tim lông xù của Chàng chiến tướng” không có vẻ bị chỉnh sửa hay bị chê bai nhiều lắm trong hàng trăm năm qua kể từ khi câu chuyện được sáng tác; câu chuyện mà cuối cùng tôi được đọc từ nguyên tác bằng cổ ngữ Runes gần đúng y như câu chuyện mà mẹ tôi đã kể. Điều đó có nghĩa là, “Chàng chiến tướng và trái tim lông xù” cho đến giờ là chuyện kinh dị nhứt trong những sáng tác của Beedle, và nhiều bậc phụ huynh đã chỉ kể cho con cái nghe khi họ nghĩ là chúng đã đủ trưởng thành để chịu đựng nổi những cơn ác mộng. (1)

Thế thì, tại sao câu chuyện rùng rợn này vẫn cứ tồn tại? Tôi sẽ tranh luận rằng “Trái tim lông xù của chàng chiến tướng” đã tồn tại không bị biến đổi suốt mấy thế kỷ bởi vì nó đề cập tới những đáy sâu u khuất của tất cả chúng ta. Nó bày tỏ một trong những cám dỗ pháp thuật vĩ đại nhứt và ít được thừa nhận nhứt: cuộc tìm kiếm sự bất khả xâm phạm.

Dĩ nhiên, một cuộc tìm kiếm như thế chẳng qua một chuyện hoang đường ngu ngốc. Chẳng có người đàn ông hay đàn bà nào còn đang sống, dù có phép thuật hay không, từng thoát được một sự tổn thương dưới hình thức nào đó; hoặc là thể chất, tinh thần, hay tình cảm. Tổn thương, đối với con người chẳng khác nào hơi thở. Vậy mà, giới phù thủy chúng ta dường như đặc biệt thiên về ý tưởng cho rằng chúng ta có thể bẻ cong bản chất sự tồn tại theo ý chí của chúng ta. Chẳng hạn chàng chiến tướng trẻ(2) trong câu chuyện này quyết định rằng sa vào tình yêu sẽ ảnh hưởng bất lợi đến cuộc sống sung sướng và sự an toàn của chàng. Chàng coi tình yêu như chuyện yếu đuối, ngượng ngùng, tiêu hao nguồn tài sản vật chất và tình cảm của một con người.

Dĩ nhiên, việc kinh doanh tình dược bùa yêu xưa mấy thế kỷ đã chứng tỏ chàng phù thủy hư cấu của chúng ta không phải là người duy nhứt tìm cách kiểm soát diễn tiến không thể lường trước được của tình yêu. Cuộc tìm kiếm một thứ thuốc tình yêu thực sự(3) còn tiếp tục cho đến tận ngày nay, nhưng vẫn chưa có một thần dược nào được chế tạo, và những bậc dược sư hàng đầu nghi ngờ chuyện bào chế được thứ tình dược đó.
T
uy nhiên, nhân vật nam trong câu chuyện này thậm chí chẳng bận tâm đến giả ảnh của tình yêu mà chàng có thể tạo ra hay hủy diệt theo ý muốn. Chàng muốn cứ trơ trơ với điều mà chàng coi là một thứ bệnh tật, và vì vậy chàng đã thực hành một tí Pháp thuật hắc ám vốn không thể thực hiện ở đâu khác ngoài sách truyện: chàng khóa chặt trái tim của chính mình.

Nhiều nhà văn đã để ý đến sự tương đồng giữa hành động này và việc chế tạo ra Trường Sinh Linh Giá. Mặc dù nhân vật của Beddle không tìm cách né tránh cái chết, chàng đã chia cắt cái điều rõ ràng không thể chia cắt được - ấy là thể xác và trái tim, chứ không phải tâm hồn – và khi làm như vậy chàng đã vi phạm điều đầu tiên Luật Pháp thuật Căn bản của Adalbert Waffling:

Can thiệp vào những bí ẩn sâu kín nhứt - nguồn sống, bản ngã - chỉ khi đã được chuẩn bị nhận hậu quả nguy hiểm và cùng cực nhứt.

Và chắc chắn, trong cuộc tìm kiếm để trở thành siêu nhân, chàng trai trẻ liều mạng này đã tự biến mình thành phi nhân. Trái tim bị khóa chặt đã dần dà quắt queo và mọc lông xù, biểu tượng sự suy thoái của bản thân chàng xuống hàng quái vật. Cuối cùng chàng suy thoái thành một con thú hung hăng chiếm đoạt cái mình muốn bằng bạo lực, và chàng chết trong một nỗ lực vô ích nhằm giành lại điều mà giờ đây đã vĩnh viễn vuột khỏi tầm tay của chàng – trái tim con người.

Mặc dù có phần nào đã lỗi thời, thành ngữ “có một trái tim lông xù” được dùng trong tiếng nói phù thủy hằng ngày để miêu tả một phù thủy hay pháp sư lạnh lùng vô cảm.

Người cô không chồng của tôi, cô Honoria, luôn luôn cho rằng cô đã hủy bỏ cuộc đính ước với một pháp sư làm ở Sở Dùng Sai Pháp Thuật bởi vì cô đã khám phá kịp thời rằng “ông ta có một trái tim lông xù.” (Nhưng nghe đồn cô ấy thực ra đã phát hiện tại chỗ đúng lúc ông ấy đang nựng nịu một con Móng-đỏ(4), điều đó khiến cô bị chấn động sâu sắc.) Gần đây nhứt, quyển sách tự tu thân Trái tim lông xù: Kim chỉ nam cho những chàng lãng tử (5) đã đứng đầu danh mục sách bán chạy nhứt.


Chú thích:
(1) Theo nhật ký của chính bà, Beatrix Bloxam không bao giờ phục hồi được sau việc nghe lõm câu chuyện này do người dì kể cho mấy anh chị em họ lớn tuổi hơn. “Khá tình cờ, cái lỗ tai be bé của tôi dán chặt vào lỗ khóa. Tôi chỉ có thể tưởng tượng là tôi ắt hẳn đã tê liệt vì hãi hùng, vì tôi đã vô tình nghe hết toàn bộ câu chuyện tởm lợm, ấy là không kể những chi tiết ma quái về chuyện tình nhạt nhẽo khủng khiếp của chú Nobby của tôi, một phù thủy địa phương và một bao củ hành múp míp. Cơn chấn động suýt giết chết tôi; tôi nằm lì trên giường cả tuần lễ, và tôi bị hậu chấn thương nặng đến nỗi phát sinh thói quen mộng du trong lúc ngủ cứ đi trở lại đúng cái lỗ khóa đó hàng đêm, cho đến khi papa yêu quý của tôi, với sự tán đồng tận thâm tâm tôi, đã ếm một lá Bùa Dính chặt lên cửa phòng tôi vào ban đêm.” Rõ ràng Beatrix không biết làm cách nào để khiến cho chuyện “Trái tim lông xù của chàng chiến tướng” thích hợp với những cái tai nhạy cảm của trẻ em, bởi vì bà không bao giờ viết lại chuyện này trong cuốn “Chuyện Cứt Cóc”.

(2) [Từ “chiến tướng” là một từ rất xưa. Mặc dù đôi khi nó được dùng lẫn lộn với từ “pháp sư”, nguyên ủy nó vấn bao hàm nghĩa người đã được rèn luyện qua song đấu và phép thuật võ trang quân sự. Nó cũng được ban tặng như tước hiệu cho những phù thủy đã thực hiện được những kỳ công dũng cảm, cũng giống như Muggle thỉnh thoảng phong tước cho những nghĩa cử can trường. Bằng cách gọi chàng phù thủy trẻ trong câu chuyện này là một chiến tướng, Beedle cho thấy chàng đã được công nhận có tài nghệ đặc biệt về phù thủy phòng vệ. Vào thời đó các pháp sư phù thủy dùng từ “chiến tướng” trong một hai trường hợp sau: miêu tả một phù thủy có ngoại hình dũng mãnh khác thường, hoặc một tước hiệu biểu thị thành tựu hay tài năng đặc biệt. Do vậy, bản thân cụ Dumbledore là Tổng Chiến tướng của Hội đồng Pháp thuật. JKR]

(3) Hector Dagworth-Granger, người sáng lập Hội Dược gia Xuất chúng Nhất, giải thích: “Những đam mê cuồng nhiệt có thể được các dược gia lành nghề tiết giảm, nhưng chưa hề có bất cứ ai chế tạo được sự kết chặt không điều kiện, không tan vỡ, không tận cùng mà chỉ có điều đó mới có thể được gọi là Tình Yêu.”

(4) Móng-đỏ là một sinh vật giống như nấm rơm tua tủa lông. Rất khó hiểu tại sao lại có người muốn nựng nịu chúng. Muốn biết thêm thông tin thì đọc cuốn “Sinh vật huyền bí và nơi tìm ra chúng”.

(5) Đừng nhầm lẫn với cuốn “Mõm lông, Tim người”, một câu chuyện xúc động về cuộc chiến đấu của một con người với nỗi hoang tưởng hóa sói.

4.THỎ LÁCH CHÁCH VÀ GỐC CÂY KHANH KHÁCH

Ngày xửa ngày xưa, ở một xứ sở xa tít mù, có một ông vua ngốc quyết định là chỉ một mình ông ta là có quyền lực pháp thuật.
Vì vậy ông ra lệnh cho vị chỉ huy quân đội của mình thành lập một Lữ đoàn Thợ săn Phù thủy, và giao cho họ một bầy chó săn hung dữ đen thui. Đồng thời, ông Vua lại ban ra một chiếu chỉ được truyền đọc tại mọi thôn làng thị trấn trên khắp đất nước:
“Đức Vua cần tuyển một thầy dạy Phép thuật”

Chẳng có phù thủy hay pháp sư thứ thiệt nào dám xung phong xin việc, bởi vì tất cả bọn họ đều đang trốn tránh Lữ đoàn Thợ săn Phù Thủy.

Thế nhưng, có một gã thầy pháp láu cá tuy chẳng có phép thuật gì ráo nhưng thấy ngay cơ hội làm giàu cho mình. Gã tìm đến lâu đài tự xưng là pháp sư có tài thần thông biến hóa. Gã thầy pháp biểu diễn vài trò bịp đơn giản, thuyết phục ông Vua ngốc về quyền lực phép thuật cao cường của gã, và ngay lập tức được ban chức Tổng Đại Pháp Sư, Thầy Dạy kèm Phép thuật của Đức vua.

Gã thầy pháp xin Vua ban cho gã một bao vàng to tướng, để gã có thể mua đũa phép và những đồ phù phép cần thiết. Gã cũng đòi nhiều viên hồng ngọc lớn, để dùng cho việc ếm bùa trị bệnh, một hay hai ly đựng rượu bằng bạc, để đựng và luyện thần dược. Ông Vua ngốc cung cấp đủ tất cả những thứ này.

Sau khi cất giấu tài sản an toàn trong nhà mình, gã thầy pháp trở lại vườn ngự uyển.

Gã không hay biết là có một bà già theo dõi gã. Bà này sống trong một túp lều nát bên mép vườn. Tên bà là Lách Chách, và bà là quan giặt giũ có trách nhiệm giữ cho chăn màn trong cung vua được mềm mại, thơm tho, và trắng tinh. Ngó trộm qua mấy tấm khăn trải giường đang phơi, mụ Lách Chách thấy gã thầy pháp bẻ hai nhánh con từ một cái cây mọc trong vườn của Vua và biến vào trong cung.

Gã thầy pháp đưa một trong hai nhánh cây đó cho Vua và cam đoan với Vua đó là một cây đũa phép quyền lực phi thường.

“Tuy nhiên, nó chỉ phát huy quyền lực khi bệ hạ xứng tài với nó.” Gã thầy pháp nói.

Mỗi buổi sáng gã thầy pháp và ông Vua ngốc đi vào vường ngự uyển, ở đó họ quơ nhánh cây con và hét lảm nhảm lên trời. Gã thầy pháp cẩn thận biểu diễn thêm vài trò bịp, để Vua tiếp tục tin tưởng vào tài năng của Đại Pháp Sư, và những cây đũa phép trị giá rất nhiều cây vàng.

Một buổi sáng, khi gã thầy pháp và ông Vua ngốc đang múa gậy, và nhảy lòng vòng, hô hoán những câu vè nhảm nhí, thì một tiếng cười khanh khách rõ to vọng đến tai Vua. Quan giặt giữ Lách Chánh đang quan sát Vua và gã thầy pháp từ cửa sổ túp lều con của mụ, và đang cười to đến nỗi chẳng mấy chốc mụ lăn đùng ra, vì không còn sức đứng nữa.

“Ắt là trẫm thiếu uy nghi lắm, mới khiến cho quan giặt giũ cười như thế!” Vua nói. Vua ngừng nhảy loi choi, ngừng quơ gậy, và chau mày lại. “Trẫm chán luyện tập rồi! Pháp sư, bao giờ thì trẫm có thể ếm bùa phép thực sự lên các thứ hả?”

Gã thầy pháp tìm cách dỗ dành học trò của mình, cam đoan với Vua rằng chẳng bao lâu Vua sẽ có đủ năng lực thực hiện những đòn phép thuật phi phàm, nhưng tiếng cười khanh khách của mụ Lách Chách đã chọc tức ông Vua ngốc sâu cay hơn gã thầy pháp lường được.

Vua nói:

“Ngày mai, trẫm sẽ triệu tập quần thần để xem Vua biểu diễn phép thuật!”

Gã thầy pháp thấy đã đến lúc ôm của nả mà cao bay xa chạy.

“Ôi thôi, muôn tâu Bệ hạ, không được đâu ạ. Hạ thần đã quên tấu trình Bệ hạ rằng ngày mai hạ thần sẽ phải đi xa…”

“Nếu ngươi ra khỏi cung mà không có lệnh của trẫm thì, Pháp sư à, Lữ đoàn Thợ săn Phù thủy của trẫm sẽ săn lùng ra người bằng chó săn! Sáng mai ngươi phải phù tá trẫm ếm phép thuật giúp vui cho triều thần và quý nương, nếu mà có kẻ nào cười nhạo trẫm, trẫm sẽ chém đầu ngươi!”

Vua đùng đùng đi vào cung, bỏ lại gã thầy pháp một mình sợ chết được. Giờ đây tất cả ranh ma láu cá của gã cũng không cứu nổi gã, bởi vì gã không thể nào chạy trốn, cũng không thể nào giúp ông Vua làm phép thuật là thứ mà cả Vua lẫn gã đều mù tịt.

Trong lúc đi tìm một lối thoát cho nỗi sợ và cơn giận, gã thầy pháp đến gần cửa sổ nhà quan giặt giũ Lách Chách. Lén nhìn vô trong, gã thấy một bà già bé nhỏ ngồi bên cạnh cái bàn, đánh bóng cây đũa phép của bà ta. Trong cái góc phía sau bà, chăn màn của Vua đang tự giặt lấy trong một cái chậu gỗ.

Gã thầy pháp hiểu ngay rằng mụ Lách Chách đích thị là phù thủy thứ thiệt, và mụ là kẻ khiến cho hắn rơi vào tình thế khốn khổ này thì mụ sẽ phải giải quyết.

“Mụ già!” Gã thầy pháp rống lên. “Tiếng cười nắc nẻ của mụ đã gây đại họa cho tôi! Mụ mà không giúp tôi thoát nạn, tôi sẽ tố giác mụ là phù thủy, và mụ sẽ là kẻ bị bầy chó săn của Vua xé xác tanh banh!”
Mụ Lách Chách mỉm cười với gã thầy pháp và cam đoan với gã là mụ sẽ làm mọi việc trong khả năng của mụ để giúp gã.

Gã thầy pháp bèn bảo mụ hãy tự ẩn mình bên trong một bụi cây khi Vua biểu diễn phép thuật, và thực hiện những phép thuật đó giùm cho Vua, mà không để cho Vua biết. Mụ Lách Chách đồng ý với kế hoạch nhưng hỏi một câu:

“Thưa ngài, chẳng hay nếu Vua muốn thử một phù phép mà Lách Chách không thể ếm nổi, thì sao ạ?”

Gã thầy pháp cười báng bổ:

“Phép thuật của mụ cao xa hơn trí tưởng tượng của thằng ngốc đó nhiều.” Gã cam đoan với mụ, rồi gã rút lui vào cung điện, cực kỳ hài lòng với sự khôn ngoan của mình.

Sáng hôm sau tất cả triều thần cùng quý nương của vương quốc tập trung trong sân chầu. Vua trèo lên một cái đài đặt trước mặt mọi người, có gã thầy pháp ở bên cạnh.

“Trước tiên trẫm sẽ hô biến cái mũ của quý nương này.” Vua la lớn, chỉa nhánh cây con vào một quý bà sang trọng.

Từ bên trong một bụi cây gần đó, mụ Lách Chách chĩa cây đũa phép về cái mũ và khiến nó biến mất. Đám đông sửng sốt và thán phục cực kỳ, và tiếng vỗ tay hoan hô của họ cũng vang to cực kỳ, khiến Vua sướng quá sướng.

“Kế đến, trẫm sẽ khiến con ngựa đó bay lên!” Vua hô to, chĩa nhánh cây con vào con tuấn mã của mình.

Từ bên trong bụi cây, mụ Lách Chách chĩa cây đũa phép vào con ngựa và nó bay lơ lửng lên không.

Đám đông càng thêm hào hứng và kinh ngạc, họ hô vang lời ca tụng vị Vua thần thông của họ.

“Và bây giờ,” Vua nói, vừa nhìn quanh để tìm kiếm một ý tưởng; thì thủ lĩnh của Lữ đoàn Thợ Săn Phù thủy chạy ào tới.

“Muôn tậu bệ hạ,” ngài Thủ lĩnh nói, “Ngay sáng nay, Sabre đã chết vì ăn phải nấm độc cứt-cóc! Muôn tâu Bệ hạ, xin dùng cây đũa phép của Bệ hạ khiến nó sống lại!”

Và Thủ lĩnh vác lên đài cái xác chết ngắc của một trong những con chó-săn-phù-thủy bự nhứt.

Ông Vua ngốc bèn vung nhánh cây con lên chỉa vào con chó chết. Nhưng bên trong bụi cây, mụ Lách Chách chỉ mỉm cười, không thèm nhúc nhích cây đũa phép, bởi vì chẳng có phép thuật nào có thể hồi sinh kẻ chết.

Con chó không cựa quậy gì hết, đám đông bắt đầu xì xào trước, rồi sau đó cười rộ lên. Họ nghi là hai vụ phù phép trước đó của Vua cũng chẳng qua trò bịp mà thôi.

“Tại sao không linh nghiệm?” Vua quát gã thầy pháp. Gã bật nghĩ ra mưu mẹo duy nhứt mà gã có được.

“Kia kìa, muôn tâu Bệ hạ, kia kìa!” Gã la lớn, chỉ vào bụi cây mụ Lách Chách đang ngồi núp. “Thần nhìn thấy mụ ta rõ ràng, một mụ phù thủy ác độc đã áng giải phép thuật của Bệ hạ bằng chính bùa chú độc địa của mụ! Bắt mụ ta, quân bây đâu, bắt mụ ta!”

Mụ Lách Chách phóng vèo ra khỏi bụi cây, Và Lữ đoàn Thợ săn Phù thủy khởi động cuộc săn đuổi, thả bầy chó săn ra, chúng sủa vang đòi máu của mụ Lách Chách.

Nhưng ngay khi mụ vừa chạy tới một hàng giậu thấp thì mụ phù thủy bé nhỏ biến mất tăm, và khi Vua, gã thầy pháp và tất cả triều thần qua được tới bên kia bờ giậu, họ thấy một bầy chó-săn-phù-thủy đang sủa và xục xạo quanh một gốc cây già còng queo.

“Mụ đã tự biến thành một cái cây rồi!” Gã thầy pháp gào to, khiếp đảm, và để mụ Lách Chách khỏi biến trở lại thành một người đàn bà và tố giác gã, gã gào tiếp: “Chặt mụ ra, muôn tâu Bệ hạ, đó là cách xử lý những mụ phù thủy độc ác!”

Một cây búa được đem lại ngay tức thì, và thân cây già ngã xuống trong tiếng reo hò inh ỏi của đám triều thần và gã thầy pháp.

Tuy nhiên, khi cả đám sắp sửa quay trở về cung điện thì âm thanh tiếng cười khanh khách rõ to chặn họ trên đường đi.

“Lũ ngốc!” Giọng của mụ Lách Chách vang lên từ gốc cây bị bỏ lại sau lưng bọn họ.

“Không có phù thủy hay pháp sư nào có thể bị giết bằng cách chặt làm đôi cả! Nếu các người không tin ta, thì cứ lấy cây búa mà chặt lão Đại Pháp Sư làm hai!”

Thủ lĩnh của Lữ đoàn Thợ săn Phù thủy rất hăng hái làm thí nghiệm, nhưng khi ông vừa giơ cao cây búa thì gã thầy pháp quỳ sụp xuống chân ông ta, gào khóc van xin lòng từ bi và thú nhận tất cả sự độc ác của gã. Khi gã bị lôi đi về hầm giam, tiếng cười khanh khách của gốc cây càng to hơn bao giờ hết.

“Bằng cách chặt một phù thủy làm đôi, các người đã thả một lời nguyền dễ sợ ếm lên vương quốc của các người!”

Gốc cây nói với ông Vua đang sững sờ chết điếng. “Từ nay về sau, mỗi đòn hiểm độc ngươi giáng xuống đồng bào phù thủy và pháp sư của ta sẽ giống như một nhát búa chặt vào chính sườn của ngươi, cho đến khi ngươi ước ao chết quách cho rồi!”

Nghe vậy, ông Vua cũng sụp quỳ xuống, và nói với gốc cây rằng ông sẽ lập tức ban chiếu chỉ bảo vệ tất cả phù thủy và pháp sư trong vương quốc, và cho phép họ làm bùa phép trong thanh bình.

“Tốt lắm.” Gốc cây nói, “Nhưng ngươi chưa chuộc lỗi với bà Lách Chánh!”

“Bằng mọi cách! Mọi cách!” Ông Vua ngốc la lên, vặn vẹo hai bàn tay trước gốc cây.

“Ngươi sẽ dựng một bức tượng bà Lách Chách phía trên ta, để tưởng niệm bà quan giặt giũ đáng thương của ngươi, và để mãi mãi nhắc nhở ngươi về sự ngu ngốc của chính ngươi.” Gốc cây nói.

_Vua đồng ý ngay lập tức, và hứa sẽ thuê điêu khắc gia tài giỏi nhứt nước, và sẽ làm bức tượng bằng vàng ròng. Rồi ông Vua ngượng ngùng cùng cả đám triều thần và quý nương quay trở về cung điện, để lại sau lưng gốc cây còn cười khanh khách.
_Khi sân vườn vắng vẻ, từ một cái lỗ giữa hai nhánh rễ của gốc cây, một con thỏ già rắn rỏi và nhanh nhẩu uốn éo mình chui ra, miệng ngậm một cây đũa phép giữa mấy cái răng. Mụ Lách Chách nhảy ra khỏi vườn ngự uyển và nhảy đi thật xa, và từ đó về sau một bức tượng bằng vàng của quan giặt giũ đứng ngay trên gốc cây, và chẳng còn một phù thủy hay pháp sư nào bị ngược đãi trên khắp vương quốc nữa.

BÌNH LUẬN CỦA CỤ ALBUS DUMBLEDORE VỀ “THỎ LÁCH CHÁCH VÀ GỐC CÂY KHANH KHÁCH”

Câu chuyện “Thỏ Lách chách và gốc cây Khanh khách” về nhiều phương diện là chuyện “thực” nhứt trong những chuyện kể của Beedle, bởi vì phép thuật được miêu tả trong chuyện phù hợp, gần như hoàn toàn, với những luật lệ phép thuật hiện hữu.
Chính qua câu chuyện này mà nhiều người trong chúng ta lần đầu tiên hiểu ra rằng phép thuật không thể nào khiến cho kẻ chết sống lại – và đó là cả một nỗi thất vọng và ngạc nhiên, bởi vì hồi còn trẻ thơ chúng ta đã tin rằng cha mẹ chúng ta có thể làm sống lại những con chuột chết hay mèo chết của chúng ta chỉ bằng một cái vẩy cây đũa phép. Mặc dù đã sáu thế kỷ trôi qua kể từ ngày Beedle viết câu chuyện này, và trong khi chúng ta đã phát minh ra vô số cách để duy trì các ảo tưởng về “sự hiện hữu mãi mãi” của những người ta yêu thương(1), các pháp sư vẫn chưa tìm ra một cách nào hợp nhất lại linh hồn và thể xác một khi cái chết đã xảy ra. Như triết gia phù thủy lỗi lạc Bertrand de penseés-Profondes viết trong cuốn sách trứ danh của ông Một nghiên cứ về Khả năng Đảo ngược Thực tế và Hiệu lực Siêu hình của cái Chết Tự nhiên, với mối Quan tâm Đặc biệt đến sự Phục hồi Vật chất và Tinh túy: “Đầu hàng thôi. Chuyện đó không bao giờ xảy ra.”

Thế nhưng, câu chuyện “Thỏ Lách chách và gốc cây Khanh Khách” quả có cho ta một trong những ghi nhận văn chương sớm nhứt về một người Đội lốt thú, bởi vì quan giặt giũ Lách Chách được phú cho năng lực phép thuật hiếm hoi là tùy ý đội lốt thú vật.
Những người đội lốt thú chiếm một tỷ lệ nhỏ trong dân số phù thủy. Đạt được sự đội lốt hoàn hảo, tự nhiên, từ người ra thú đòi hỏi nhiều nghiên cứu và thực hành, và nhiều phù thủy pháp sư cân nhắc rằng thời gian của họ có thể được dùng vào những việc khác. Chắc chắn, việc ứng dụng một tài năng như thế rất hạn chế trừ khi người ta có nhu cầu thường xuyên cải trang hay mai danh ẩn tích. Chính vì lý do này mà Bộ Pháp Thuật nhấn mạnh việc đăng ký những người Đội lốt bởi vì chắc chắn loại phép thuật này rất hữu ích cho những kẻ liên can đến những chuyện mờ ám, vụng trộm hay thậm chí hoạt động tội phạm hình sự(2).

Từng có hay không một quan giặt giũ có khả năng đội lốt thỏ là đề tài để ngỏ không nói chắc được; tuy nhiên, một số sử gia phép thuật đã giả thuyết rằng Beedle xây dựng nhân vật bà Lách Chách theo mẫu của một nữ pháp sư người Pháp nổi tiếng Lissette de Lapin, kẻ đã bị kết án là phù thủy ở Paris vào năm 1422. Trước sự kinh ngạc của những Muggle giam cầm bà, những người này về sau đã cố gắng giúp bà phù thủy đào tẩu, Lisette biến mất khỏi nhà ngục vào đêm trước ngày bà bị hành hình. Mặc dù việc Lisette là một người Đội lốt và đã xoay sở lách qua những chấn song nhà giam là đều chưa từng được chứng minh, nhưng sau đó người ta thấy một con thỏ trắng thiệt to băng qua eo biển Ăng lê trong một cái vạc có gắn buồm, và về sau có một con thỏ giống như vậy trở thành quân sư tín cẩn trong triều của Vua Henry VI. (3)
Ông Vua trong chuyện của Beddle là một Muggle ngu ngốc, vừa thèm vừa sợ phép thuật. Ông tin là ông có thể trở thành phù thủy chỉ bằng cách học niệm thần chú và vẫy đũa phép(4). Ông đã hoàn toàn dốt nát về bản chất đúng của phép thuật và phù thủy và do vậy đã nuốt trọng những lời xúi dại lố bịch của gã thầy pháp và bà Lách Chách. Đây chắc chắn là điển hình của kiểu suy nghĩ đặc thù Muggle: Do dốt nát, họ sẵn sàng chấp nhận mọi kiểu phép thuật không thể nào có được, bao gồm cả việc cho là bà Lách Chách đã tự biến mình thành một gốc cây mà vẫn có thể nói năng suy nghĩ. (Tuy nhiên, quả là đáng lưu ý ở điểm này, ấy là trong khi Beedle sử dụng công cụ cái cây biết nói để chỉ cho chúng ta thấy ông Vua Muggle dốt nát thế nào, người kể chuyện lại mong chúng ta tin là Lách Chách có thể nói khi bà là một con thỏ. Có thể đây là một biến tấu thi pháp, nhưng tôi thiên về ý kiến cho là Beedle cũng chỉ nghe nói về người Đội lốt thú mà thôi, chứ chưa hề gặp một người thực, bởi vì đây là sự phóng túng phép thuật duy nhứt mà ông dùng trong câu chuyện. Người Đội lốt thú không duy trì được năng lực ngôn ngữ con người khi đội lốt thú, mặc dù họ giữ được tất cả những năng lực suy tư và lý luận của con người. Điều này, như mọi học sinh đều biết, là khác biệt căn bản giữa việc bản thân là một người Đội lốt thú và việc Biến hình chính mình thành một con thú. Trong trường hợp Biến hình, người ta sẽ trở thành một con thú hoàn toàn, kèm hậu quả là người đó sẽ không biết phép thuật gì cả, không ý thức rằng người đó từng là một phù thủy, và người đó sẽ cần một người khác Biến hình bản thân mình trở lại hình dạng ban đầu.)
Tôi nghĩ là có thể khi chọn cách làm cho nhân vật nữ của mình giả vờ biến thành một cái cây, và hù dọa ông Vua bằng những nỗi đau đớn như bị búa bổ vào be sườn chính mình, Beedle đã lấy cảm hứng từ những thực tiễn và truyền thống phép thuật thực sự. Những cây mà gỗ có phẩm chất làm đũa phép luôn luôn được những thợ làm đũa phép, những người chăm sóc cây, bảo vệ cực lực, và đốn những cây như vậy để ăn cắp gây hiểm họa lãnh đủ không chỉ ác độc với bọn Bịp-bướm(5) thường làm tổ trên cây, mà còn gây ảnh hưởng xấu đến mọi bùa phép bảo vệ mà chủ nhân đã ếm xung quanh cây. Vào thời của Beedle, phép nguyền rủa Tra Tấn chưa bị Bộ Pháp Thuật(6) đặt ra ngoài vòng pháp luật, và có thể gây ra chính xác cảm giác mà bà Lách Chách dùng để dọa ông Vua.

Chú thích:
(1) [Những hình ảnh và chân dung phù thủy di chuyển và (trong trường hợp chân dung) nói năng y như chủ thể của chúng. Những vật thể khác, như Tấm gương Khát vọng, cũng có thể tiết lộ nhiều hơn một hình ảnh tĩnh tại của một người thân đã qua đời. Ma là những phiên bản trong suốt di chuyển, nói năng, suy nghĩ của các phù thủy và pháp sư, những người muốn, vì bất kể lý do gì đó, tiếp tục nấn ná trên mặt đất. JKR]

(2) [Giáo sư McGonagal, cô hiệu trưởng trường Hogwarts, đã yêu cầu tôi nói rõ rằng cô ấy đã trở thành một người Biến hình thuần túy là kết quả của những cuộc nghiên cứu sâu rộng của cô ấy trong tất cả lĩnh vực của thuật Biến hình, và rằng cô ấy không bao giờ dùng khả năng này để biến thành một con mèo mướp bẻm mép cho một mục đích mờ ám, không kể những công việc hợp pháp nhân danh Hội Phượng Hoàng tối cần đến sự bí mật và ẩn giấu hành tung. JKR]

(3) Điều này hẳn đã góp phần vào tai tiếng về sự bất ổn tâm thần của ông Vua Muggle đó.

(4) Nhưng những nghiên cứu chuyên sâu ở Bộ Huyền Bí đã chứng minh từ tận năm 1572, thì phù thủy và pháp sư là bẩm sinh chứ không do đào tạo. Trong khi khả năng “quái quỷ” biểu diễn phép thuật đôi khi xuất hiện ở những người rõ ràng không phải con cháu phù thủy (mặc dù nhiều nghiên cứu sau này đã cho rằng trong gia phả họ thế nào cũng sẽ có một phù thủy hay pháp sư xuất hiện). Muggle không thể nào làm được phép mầu. Điều hay nhứt - hoặc tệ nhứt – mà họ có thể hy vọng là những hiệu quả ngẫu nhiên ngoài tầm kiểm soát được tạo ra từ một cây đũa phép thần thông đích thực, vật mà, vốn là một công cụ truyền tải phép thuật, đôi khi giữ lại quyền lực phép thuật còn sót trong nó để phát tiết ra vào những lúc ngặt nghèo – xem thêm những ghi chú về Wandlore cho “Chuyện kể về ba anh em”.

(5) Để biết được miêu tả đầy đủ của cư dân trên cây nhỏ bé lạ lùng này, đọc “Sinh vật huyền bí và nơi tìm ra chúng”.

(6) Những phép nguyền rủa Tra Tấn, Giết Chết, Băm Vằm Hồn Xác được cho vào hạng mục Bùa Cấm Xài lần đầu tiên vào năm 1717, kèm theo sự trừng phạt nghiêm khắc nhứt đối với việc sử dụng chúng.

5.CHUYỆN KỂ VỀ BA ANH EM

Ngày xửa ngày xưa có ba anh em đang đi trên một con đường ngoằn ngoèo vắng vẻ vào lúc chiều hôm. Vừa đúng lúc ba anh em đi tới một dòng sông quá sâu không lội qua được và quá nguy hiểm không bơi ngang được. Tuy nhiên, mấy anh em này đều tinh thông pháp thuật, và vì vậy họ chỉ cần vẫy cây đũa phép và tạo ra một cây cầu bắc ngang qua dòng nước phản trắc. Khi ba anh em băng qua được nửa cây cầu thì bị một cái bóng trùm đầu kín mít chặn đường.

Và Thần Chết nói với họ. Thần rất tức giận là đã bị phỗng tay trên ba nạn nhân mới, bởi vì khách lữ hành thường đều chết đuối dưới dòng sông. Nhưng Thần Chết gian xảo lắm, Thần giả bộ chúc mừng ba anh em về pháp thuật của họ, và nói là mỗi người đáng được một phần thưởng cho sự khôn khéo lách được Thần Chết.

Thế là người anh cả, một kẻ hiếu chiến, hỏi xin một cây đũa nhiều quyền phép hơn mọi cây đũa phép trên đời: một cây đũa phép luôn luôn giúp chủ nhân chiến thắng trong những trận đấu tay đôi, một cây đũa phép xứng đáng với một phù thủy đã từng chế ngự Thần Chết! Thần Chết bèn xẹt tới một cây cơm nguội mọc bên bờ sông, bẻ một cành cây rủ xuống đó, chế ra một cây đũa phép, và đưa nó cho người anh cả.

Kế đến là người anh hai, một kẻ ngạo mạn, quyết định là anh ta muốn làm cho Thần Chết bẻ mặt hơn nữa, bèn hỏi xin quyền lực gọi những người khác về từ cõi chết. Thần Chết bèn lượm một cục đá bên bờ sông và đưa cho người anh hai, và nói với anh ta là cục đá đó sẽ có quyền năng gọi về những người chết.

Và rồi Thần Chết hỏi người anh ba và cũng là người em út xem anh ta muốn gì. Người em út là kẻ khiêm tốn nhất và cũng là người khôn ngoan nhất trong ba anh em, và anh ta không tin tưởng Thần Chết. Vì thế anh ta hỏi xin cái mà có thể giúp anh ta từ chỗ đó đi tiếp mà không bị Thần Chết bám theo. Thần Chết bèn, vô cùng bất đắc dĩ, giao cho anh ta chính tấm Áo khoác Tàng hình của mình.

Thế rồi Thần Chết đứng qua một bên và cho phép ba anh em tiếp tục hành trình, và ba anh em vừa đi tiếp vừa chuyện trò trong nỗi kinh ngạc về sự táo bạo mà họ đã trải qua và cùng chiêm ngưỡng những món quà của Thần Chết.

Rồi cũng đến lúc mấy anh em chia tay, mỗi người hướng đến số phận riêng của mình.

Người anh cả tiếp tục hành trình thêm một tuần lễ nữa, và đến một ngôi làng xa xôi, tìm ra một tay phù thủy để gây gổ một trận. Đương nhiên, với vũ khí là Cây đũa phép Cơm nguội, anh ta không thể nào thua trong trận đấu tay đôi sau đó. Bỏ mặc kẻ thù mình nằm chết trên sàn, người anh cả tiếp tục đi tới một cái quán, ở đó anh ta lớn tiếng khoe khoang về Cây đũa phép đầy quyền lực mà anh ta đã chớp được của chính Thần Chết, và về việc cây đũa phép đã khiến anh ta trở nên vô địch như thế nào.

Chính ngay trong đêm đó, một phù thủy khác bò tới chỗ người anh cả khi anh ta nằm say bét nhè trên giường. tên trộm ăn cắp cây đũa phép và để bảo đảm an toàn, hắn cắt luôn cổ họng người anh cả.

Và thế là Thần Chết đã lấy xong mạng người anh cả.

Trong lúc đó người anh hai lên đường trở về nhà mình, nơi anh ta sống một mình. Ở nhà anh ta lấy ra viên đá có quyền phép gọi về người chết, và xoay nó ba lần trong tay. Anh ta ngạc nhiên và vui sướng biết bao khi hình bóng người con gái anh đã từng hy vọng cưới trước khi nàng chết yểu, hiện ra ngay tức thì trước mắt anh.

Nhưng nàng buồn và lạnh, cách biệt anh ta như thể bị ngăn chia bằng một tấm mạng che. Mặc dù nàng trở về chốn dương gian, nhưng nàng không thực sự thuộc về thế giới này và nàng buồn khổ. Cuối cùng người anh hai, phát khùng vì những khao khát vô vọng, đã tự giết mình để sum vầy với nàng nơi chín suối.

Và thế là Thần Chết đã lấy mạng người anh hai.

Nhưng dù Thần Chết tìm kiếm người em út suốt nhiều năm trời, Thần vẫn không thể nào kiếm được anh ta. Cuối cùng, chỉ khi đã đạt được tuổi thọ cao, người em út mới cởi Áo khoác Tàng hình ra và trao nó lại cho con trai mình. Và lúc đó người em út chào đón Thần Chết như một người bạn cũ, và vui vẻ cùng Thần ra đi, và cả hai rời khỏi thế gian như hai kẻ đồng đẳng ngang tài.

BÌNH LUẬN CỦA CỤ ALBUS DUMBLEDORE VỀ “CHUYỆN KỂ VỀ BA ANH EM”

Câu chuyện này để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi khi tôi còn là một cậu bé. Tôi nghe câu chuyện này lần đầu tiên do mẹ tôi kể, và chẳng mấy chốc nó trở thành câu chuyện tôi muốn nghe kể thường xuyên hơn bất cứ chuyện nào vào giờ đi ngủ. Điều này thường dẫn tới những cuộc cãi cọ với em trai tôi, Aberforth, cậu ấy thích nhứt chuyện “Dấm dẳng con Dê Dơ”.

Luân lý trong “Chuyện kể về ba anh em” quá rõ ràng: những nỗ lực con người nhằm né tránh tránh hay vượt qua cái chết luôn luôn kết cục bằng sự thất vọng. Người em út trong câu chuyện (“người khiêm tốn nhứt và cũng là người khôn ngoan nhứt”) là người duy nhứt hiểu rằng, sau một lần thoát chết trong đường tơ kẽ tóc, điều tốt nhứt mà người ta có thể hy vọng là trì hoãn lâu chừng nào tốt chừng nấy cuộc chạm trán Thần Chết lần thứ hai. Người em út này biết là chòng ghẹo Thần Chết - bằng đấu tranh bạo lực, như người anh cả, hay xâm phạm thuật cầu hồn mờ ám(1), như người anh hai – có nghĩa là tự dồn mình đấu với một kẻ thù quỷ quyệt, kẻ không thể nào thua.

Điều trớ trêu là một truyền thuyết kỳ quái đã nổi lên chung quanh câu chuyện này, trái ngược hoàn toàn với thông điệp của nguyên tác. Truyền thuyết đó cho rằng những bảo bối mà Tử Thần tặng cho ba anh em - một cây đũa phép vô địch, một hòn đá đem được người chết trở về dương gian, và một tấm Áo khoác Tàng hình tồn tại vĩnh viễn – là những đồ vật thực tồn tại trong thế giới thực. Truyền thuyết còn đi xa hơn: nếu bất cứ ai trở thành người sở hữu chính đáng của cả ba bảo bối, thì người đó sẽ trở thành “Chủ nhân của Tử Thần”, điều thường được hiểu là người đó sẽ bất khả xâm phạm, thậm chí bất tử.

Chúng ta có thể mỉm cười, hơi buồn một chút, về điều mà câu chuyện này nói cho chúng ta biết về bản chất con người. Diễn giải một cách tử tế nhứt thì là: “Hy vọng trồi lên bất tận”(2). Bất chấp sự thật, theo Beedle, là hai trong ba số bảo bối ấy rất nguy hiểm, và bất chấp thông điệp rõ ràng mà Tử Thần đem đến cho chúng ta khi chung cuộc, một thiểu số nhỏ bé trong cộng đồng phù thủy vẫn cố tin rằng Beedle truyền cho chúng ta một thông điệp được mã hóa, thông điệp đó trái hẳn với văn bản được viết ra bằng mực, và chỉ có họ mới đủ thông minh để hiểu.

Lý thuyết của họ (hay có lẽ “niềm hy vọng tha thiết” là từ dùng chính xác hơn) có rất ít chứng cớ thực tế xác minh. Những tấm Áo khoác Tàng hình, mặc dù hiếm, có tồn tại trong thế giới của chúng ta; tuy nhiên, câu chuyện đã nói rõ rằng tấm Áo Khoác của Tử Thần có nguồn gốc thiên nhiên bền bỉ độc đáo(3). Xuyên suốt tất cả những thế kỷ giữa thời của Beedle và thời của chúng ta, không ai từng tuyên bố đã tìm ra tấm Áo Khoác của Tử Thần. Điều này được những người có niềm tin chân chính giải thích: hoặc là con cháu của người em trai út không hề biết xuất xứ tấm Áo Khoác của họ, hoặc họ biết nhưng quyết định chứng thực trí khôn của tổ tiên bằng cách không rêu rao gì về tấm Áo Khoác.

Đương nhiên, viên đá cũng không bao giờ được tìm thấy. Như tôi đã ghi chú trong phần bình luận về “Thỏ Lách Chách và gốc cây Khanh Khách”, chúng ta vẫn không có khả năng dựng sống lại kẻ đã chết, có mọi lý do để cho rằng điều này sẽ không bao giờ xảy ra. Những sự thay thế bất cập, dĩ nhiên, đã được các phù thủy Hắc ám thi thố và họ đã tạo ra Âm binh(4), nhưng đó chỉ là những bù nhìn ma quái, chứ không thực sự là những con người tái sinh. Hơn nữa, câu chuyện của Beedle thể hiện khá rõ ràng về việc người yêu đã mất của người anh thứ hai không thật sự trở về từ cõi chết. Nàng chỉ được Thần Chết phái đến để dẫn dụ anh ta vào móng vuốt Tử Thần, và vì vậy mà nàng lạnh nhạt, xa cách, trêu ngươi cả trong hiện diện lẫn khiếm diện (5).

Như vậy chúng ta chỉ còn lại cây đũa phép, và những người khăng khăng tin vào thông điệp ẩn kín của Beedle có ít nhứt vài bằng cớ lịch sử để củng cố tuyên bố hoang đường của họ. Bởi vì đó là trường hợp - hoặc là vì họ thích tự phong hào quang cho mình, hay để dọa dẫm những kẻ có thể tấn công họ, hoặc là họ thực sự tin vào những điều họ nói - mà nhiều phù thủy qua bao thời đại đã tuyên bố chiếm hữu một cây đũa phép nhiều quyền lực hơn những cây đũa phép thông thường, thậm chí là cây đũa phép “vô địch”. Một số trong những phù thủy này còn tán xa hơn, cho là cây đũa phép của họ làm bằng cây cơm nguội, giống như cây đũa phép được cho là Thần Chết đã chế ra. Những cây đũa phép kiểu đó được gán cho nhiều cái tên, trong số đó có “Cây Đũa Phép Định Mệnh”, và “Cây Gậy Thần Chết”.

Chẳng đáng ngạc nhiên mấy cái chuyện mê tín xưa cũ phát triển chung quanh cây đũa phép, vật dụng này, nói cho cùng, là vũ khí và công cụ phép thuật quan trọng nhứt của chúng ta. Một số cây đũa phép nào đó (và do vậy cả những chủ nhân của chúng) được cho là xung khắc nhau.
Khi đũa của chàng là sồi đũa của nàng nhựa ruồi
Mà cưới nhau thì đúng là điên rồ

hay biểu thị khuyết điểm trong tính cách của chủ nhân cây đũa:
Hương trà đấu láo dẻ ù lì
Tần bì bướng bỉnh phỉ sầu bi

Và chắc chắn, trong hạng mục những cách ngôn không được chứng thực chúng ta cũng tìm thấy câu:
Đũa phép cây cơm nguội
đời nào đạt danh lợi.

Hoặc giả vì Thần Chết đã chế ra cây đũa phép giả tưởng từ cây cơm nguội trong câu chuyện của Beedle, hoặc giả vì những phù thủy hiếu chiến và khát khao quyền lực cứ khăng khăng cho là cây đũa phép của họ làm bằng cây cơm nguội, mà cây này trở thành loại gỗ được những người làm đũa phép ưa thích nhứt.

Sự đề cập xưa nhứt có tư liệu hẳn hoi về một cây đũa phép làm bằng gỗ cây cơm nguội có quyền lực đặc biệt hùng mạnh và nguy hiểm là cây đũa phép của Emeric, thường được gọi là “Lão Độc”, một phù thủy đoản mệnh nhưng hung ác phi thường, lão đã khủng bố miền Nam Ăng lê vào đầu thời đại Trung cổ. Lão đã chết như lão đã sống, trong cuộc song đấu long trời lở đất với một phù thủy được gọi là Egbert. Chuyện đời Egbert ra sao thì không ai biết, mặc dù tuổi thọ của các đấu thủ tay đôi thời Trung cổ nói chung là ngắn. Vào thời trước khi Bộ Pháp Thuật quy định việc sử dụng Phép thuật Hắc ám, việc đấu tay đôi thường xảy ra tử vong.

Trọn một thế kỷ sau, một nhân vật khó chịu khác, lần này hắn có tên là Godelot, đã đẩy mạnh nghiên cứu Phép thuật Hắc ám bằng cách viết một tuyển tập những câu thần chú nguy hiểm với sự giúp đỡ của một cây đũa phép mà hắn miêu tả trong sổ ghi chép là “bằng hữu nham hiểm nhứt và hư ảo nhứt của ta, thân xuất từ Hàn Phan Mộc(6), biết mọi phương cách pháp thuật hiểm ác nhứt.” (Pháp thuật Hiểm ác Nhứt trở thành tựa kiệt tác của Godelot).

Như có thể thấy, Godelot coi cây đũa phép của hắn là một cộng sự viên, gần như một hướng dẫn viên. Những ai có hiểu biết về học thuật đũa phép(7) sẽ đồng ý rằng đũa phép quả thực hấp thu tinh túy của người đã sử dụng chúng, mặc dù đây là một việc không thể tiên liệu và bất toàn; người ta phải cân nhắc tất cả những yếu tố bổ sung, như mối quan hệ giữa cây đũa phép và người sử dụng, để hiểu được cây đũa phép có thể hành xử giỏi cỡ nào với bất kỳ một cá nhân đặc biệt nào đó. Thế nhưng mà, một cây đũa phép giả thuyết được truyền qua nhiều tay phù thủy Hắc ám sẽ rất có thể có, ở mức tối thiểu, sự ham thích rõ rệt đối với những thứ phép thuật nguy hiểm nhứt.

Hầu hết các phù thủy và pháp sư thích có một cây đũa phép gin “chọn” họ hơn là bất cứ cây đũa phép nào từng được xài qua, đúng là do cây đũa phép từng có chủ rồi rất có thể đã học được những thói quen từ chủ trước, mà những điều đó có thể không tương thích với phong cách phép thuật của người chủ mới. Thông lệ chung về việc chôn (hay đốt) cây đũa phép cùng với chủ nhân, một khi người đó chết, cũng nhằm ngăn chặn bất kỳ cây đũa cá nhân nào học tập từ quá nhiều chủ nhân. Dù vậy, những người tin vào cây Đũa phép Cơm nguội thấu hiểu rằng vì cách thức chuyển giao sự tận trung của cây đũa phép giữa các chủ nhân - vị chủ nhân kế tiếp chiến thắng vị chủ nhân trước đó, thường thường bằng cách giết kẻ đó đi - cây Đũa phép Cơm nguội chưa bao giờ bị hủy hay bị chôn, mà cứ tồn tại để thu thập sự khôn ngoan, sức mạnh và quyền phép, vượt xa mức bình thường.

Godelot được biết là đã tiêu vong trong căn hầm rượu của hắn, nơi hắn đã bị đứa con trai điên là Hereward nhốt vô. Chúng ta giả định là Hereward đã lấy cây đũa phép của người cha, hoặc hắn đã có thể trốn thoát, nhưng sau đó Hereward làm gì với cây đũa phép thì chúng ta không biết chắc. Điều chắc chắn duy nhứt là một cây đũa phép có tên là “Đũa phép Cơm Lạnh”(8) do chính chủ nhân nó đặt. Chủ nhân nó, Barnabas Deverill, dùng nó để tạc cho chính mình tiếng tăm của một chiến tướng dễ sợ, cho đến khi quyền uy khủng bố của y bị một kẻ nổi tiếng tương đương tên là Loxias kết thúc. Gã này lấy cây đũa phép, đổi lại tên nó là “Gậy Tử Thần”, và dùng nó biến thành rác bất cứ ai không làm vừa lòng hắn. Thật khó dò theo lịch sử sau đó của cây đũa phép của Loxias, bởi vì quá nhiều người nhận mình là kẻ đã kết liễu cuộc đời hắn, kể cả mẹ của chính hắn.

Điều ắt gây ấn tượng với bất cứ phù thủy hay pháp sư thông minh nào nghiên cứu cái gọi là lịch sử của cây Đũa phép Cơm nguội là tất cả những ông phù thủy tự nhận là đã sở hữu nó đều khẳng định là nó “bất khả bại”, trong khi những sự thật được mọi người biết về quá trình chuyển giao nó qua tay nhiều chủ nhân chứng tỏ rằng nó không chỉ bị đánh bại hàng trăm lần, mà còn thu hút rắc rối chẳng khác gì Dấm Dẳng con Dê Dơ thu hút ruồi. Sau rốt, cuộc tìm kiếm cây Đũa phép Cơm nguội đơn giản chứng minh một quan sát mà tôi đã có cơ hội thực hiện nhiều lần trong suốt cuộc đời tôi: rằng nhân loại có một biệt tài lựa chọn đúng chóc những điều tệ hại nhứt cho họ.

Nhưng mà ai trong chúng ta sẽ biểu lộ trí khôn của người em trai út, nếu được cho chọn quà tặng của Tử Thần? Phù thủy cũng như Muggle đều đã thâm nhiễm máu ham quyền lực; bao nhiêu người có thể kháng cự nổi cây “Đũa phép Định mệnh?” Con người nào, sau khi mất đi người mình yêu thương, có thể cưỡng lại sự cám dỗ của Viên đá Phục sinh? Ngay cả tôi, Albus Dumbledore, nhận thấy từ chối tấm Áo khoác Tàng hình là dễ nhứt; điều đó chẳng qua chứng tỏ rằng, khôn ngoan như tôi, tôi vẫn là một đồ ngốc như bất cứ ai.


Chú thích:
(1) [Thuật cầu hồn là Nghệ thuật Hắc ám dựng dậy kẻ chết. Đó là một ngành phép thuật chẳng hề linh nghiệm, như câu chuyện này nêu rõ. JKR]

(2) [Câu trích dẫn này cho thấy cụ Albus Dumbledore không chỉ cực kỳ đọc rộng trong phạm vi pháp thuật, mà còn chứng tỏ cụ quen thuộc với tác phẩm của nhà thơ Muggle Alexander Pope. JKR]

(3) [Những tấm Áo khoác Tàng hình nói chung không thể hư hỏng. Khi cũ chúng có thể bị rách hay ngả màu, hoặc bùa phép ếm lên chúng có thể dần hết linh nghiệm, hoặc bị bùa hiển lộ giải linh. Đó là lý do tại sao các phù thủy và các pháp sư thường chuyển sang, như trong thí dụ thứ nhứt, dùng Bùa Giải Ảo Ảnh để tự ngụy trang hay ẩn giấu hành tung. Cụ Albus Dumbledore được biết đến như người có thể thực hiện Bùa Giải Ảo linh nghiệm đến nỗi cụ có thể khiến cho mình vô hình mà không cần tấm Áo khoác. JKR]

(4) [Âm binh là những xác chết được khiến cho cử động bằng Pháp thuật Hắc ám. JKR]

(5) Nhiều nhà phê bình tin là Beedle lấy cảm hứng từ Hòn đá Phù Thủy khi sáng tạo ra viên đá gọi kẻ chết trở về này, Hòn đá Phù thủy là thứ chế ra Tiên đơn Trường sinh đem lại sự bất tử.

(6) Tên cũ của “cây cơm nguội”

(7) Như chính tôi chẳng hạn

(8) Cũng là một tên khác của “cơm nguội”